Đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam - Cu ba tham dự hội nghị. |
Theo VCCI, nền tảng quan hệ kinh tế để nâng tầm chất lượng quan hệ chính trị xã hội giữa hai nước còn chưa được phát triển đúng tiềm năng. Mặc dù hai nước đã ký một loạt hiệp định kinh tế để hợp tác như: hiệp định về hợp tác du lịch; hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; hiệp định về bảo vệ thực vật; hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế thu nhập. Tuy nhiên kết quả đem lại còn khá khiêm tốn.
Về đầu tư tính đến tháng 12/2015 Cu Ba mới chỉ có 1 dự án tại Việt Nam với giá trị 6,6 triệu USD chiếm 0,002% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Xếp thứ 75/110 quốc gia, vùng lảnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai những dự án đầu tư lớn tại Cu Ba như: Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (2 dự án); Công ty Thương mại và Đầu tư Thái Bình; Công ty TNHH Điện hơi Tín Thành; Công ty Hanel. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên chỉ đạt 218,2 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất sang Cu Ba 214,6 triệu USD.
Các đối tác giữa Việt Nam và Cu Ba trao đổi thông tin với nhau. |
Ông Berba be Gacia Valido, Tổng lãnh sự quán Cu Ba tại Việt Nam cho biết, để thúc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cu Ba phía Cu Ba cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lớn nhất để giúp Việt Nam đầu tư vào Cu Ba. Hiện tại, Cu Ba đang có những cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, điển hình nhất là việc hình thành đặc khu phát triển Mariel nằm ở phía Tây thủ đô Lahabana - cảnh cửa mở ra thế giới của Cu Ba; đầu tư xây dựng các Trung tâm logistics, các kho ngoại quan tại Cu Ba để bảo quản, trung chuyển, phân phối hàng hóa vào Cu Ba.
Tận dụng các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, lao động mới của Cu Ba là các giải pháp thay thế tốt nhất cho các trở ngại về chi phí vận chuyển, phí lưu kho, bảo quản hàng hóa, thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hà Văn