Sốt xuất huyết đang lây lan trên nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam, trong đó thành phố Nha Trang là điểm có nhiều người bệnh nhất với khoảng 8.000 ca. Đến cuối tháng 7/2019, Bộ Y tế ghi nhận có 105.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 10 người bệnh bị thiệt mạng. Trong khi đó, tình hình sốt Dengue ở các nước Đông Nam Á cũng trầm trọng hơn, với 10 người thiệt mạng tại Singapore và trên 500 người thiệt mạng tại Philippines.
Vắc xin sốt xuất huyết Dengvaxia do Công ty Sanofi Pasteur tài trợ được bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn và hiệu quả.
Giai đoạn từ năm 2011-2017, với sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia, gồm năm quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) và 5 quốc gia ở châu Mỹ (Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico).
Vắc xin Dengvaxia được chế tạo và thử nghiệm trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết từ năm 2011. Tuy nhiên, việc tiêm chủng đại trà chưa được thực hiện do tác dụng phụ và chi phí khá đắt. (Ảnh: CNN). |
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi từ 2-14 tuổi tại hai thành phố là Long Xuyên (1.402 trẻ) và Mỹ Tho (934 trẻ).
Kết quả phân tích tổng hợp sau đó cho thấy Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ ở độ tuổi 9-16 được xác định nhiễm sốt xuất huyết trước đó. “Ở Việt Nam, toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin đều an toàn, không xảy tai biến” - PGS. TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu xác nhận.
Tính đến tháng 12/2018, vắc xin Dengvaxia đã được cấp phép lưu hành ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Mexico, Philippines, Brazil, Peru, Costa Rica, Venezuela, Malaysia, Singapore, Áo, Bỉ, Bulgaria, Đảo Síp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Na Uy…
Và đến ngày 1/5/2019 vừa qua, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia thứ 54 trên thế giới cho phép lưu hành vắc xin này sau khi được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua.
Tuy nhiên, Dengvaxia là một vắc xin vẫn còn gây tranh cãi. Các tài liệu của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng vắc xin có thể làm phát tác các triệu chứng sốt xuất huyết ở người mới tiêm lần đầu và chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đó. Vắc xin này thích hợp cho độ tuổi 9-45 và cho những ai đã từng mắc sốt xuất huyết!
Singapore và Philippines đã từng tạm dừng và tái khởi động các chương trình tiêm Dengvaxia từ năm 2017 đến nay, với lý do “một phần vì tác dụng phụ của vắc xin và một phần là chi phí khá đắt”. Bộ Y tế Singapore nói đang tìm cách phát triển phương thức phòng bệnh khác.
Trong khi đó, CDC vừa ra khuyến cáo khẩn là vi rút Eastern equine encephalitis (EEE) truyền từ muỗi có thể gây viêm não và phù não có thể gia tăng ở Florida. Các nhà bệnh dịch học Hoa Kỳ nói khả năng lây nhiễm EEE từ gà sang người là khá lớn.
Năm ngoái, CDC ghi nhận có bảy ca nhiễm EEE ở Hoa Kỳ. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo: Tỷ lệ gây chết người của vi rút này có thể lên đến 30%. Bệnh khởi phát với các triệu chứng như nhức đầu, sốt cao trên 38oC, lạnh toàn thân và ói mửa. Khi trở nặng, bệnh nhân có thể mất kiểm soát, lên cơn co giật và hôn mê!
Vi rút có khả năng bùng phát ở Orange County, tiểu bang Florida - nơi có đông người Việt sinh sống.
Ricky Hồ - Đặng Luân