Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của VIB tổ chức tại TP.HCM vào sáng 30/6 |
Kế hoạch kinh doanh 2020, đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) kế hoạch tăng trưởng tín dụng 24% tùy thuộc vào phê duyệt về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế 2020 dự kiến đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 10% so với 2019. Như vậy, với dự báo lợi nhuận 6 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 2.350 tỷ đồng, VIB đã đạt 52% kế hoạch cả năm và kế hoạch lợi nhuận 2020 như trên là khả thi với niềm tin Việt Nam sẽ dần hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19.
Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo VIB cho biết năm 2019 ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ với tất cả các khối kinh doanh đều vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận: Lợi nhuận trước thuế đạt 4.082 tỷ đồng, gần gấp rưỡi so với năm 2018, đạt 120% kế hoạch; tổng tài sản đạt 184.531 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 31%; huy động vốn bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 47%; nợ xấu duy trì ở mức chỉ 1,68% và không có dư nợ VAMC. Năm 2019, VIB cũng là ngân hàng TMCP tư nhân đầu tiên triển khai cả 3 cột trụ của Basel II với hệ số CAR 9,6%.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT chia sẻ về chiến lược đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ có quy mô và chất lượng trên thị trường bằng sự tập trung vào khách hàng, sản phẩm, chất lượng dịch vụ và digital banking bao gồm ứng dụng MyVIB, nền tảng bán hàng trực tuyến và hệ thống 165 chi nhánh với mô hình vận hành tối ưu. Về tốc độ tăng trưởng, VIB là ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng tín dụng cá nhân cao và chất lượng hàng đầu thị trường. Dư nợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ liên tục tăng trưởng lần lượt 83%, 54% và 46% trong 3 năm 2017-2018-2019, chiếm tỷ trọng 85% tổng dư nợ của VIB.
Cổ đông đặt câu hỏi về việc VIB chịu tác động như thế nào bởi dịch bệnh Covid và đã có các biện pháp gì để đảm bảo duy trì và tăng trưởng kinh doanh. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, ngay từ ngày đầu VIB đã đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo hoạt động kinh doanh trong tình hình mới như thiết lập các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên ngân hàng và khách hàng, chủ động hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% cho các khách hàng có nợ trung dài hạn có nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch Covid với dư nợ được hỗ trợ lãi suất lên đến hơn 8.700 tỷ đồng. Mặt khác, với phân khúc khách hàng chất lượng cao và danh mục cho vay với tài sản đảm bảo an toàn, tác động của Covid đến danh mục cho vay của VIB khá thấp, với chỉ khoảng 500 tỷ đồng dư nợ của khách hàng có nhu cầu đăng ký cơ cấu lại thời gian trả nợ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, chiếm chỉ 0,35% tổng dư nợ của VIB. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của VIB vẫn duy trì ở mức thấp dưới 2,0% tại thời điểm 31/5/2020.
Về kế hoạch vốn, đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 11.094 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%. Ngoài ra, đại hội cũng phê duyệt kế hoạch chuyển cổ phiếu từ đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào cuối năm nay sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn.
Nguyễn Như