Vị tướng thân tình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ, được Bác Hồ tặng 3 bảo vật

Ông là vị tướng tài đức của Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng.

Đồng chí Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh, còn được biết đến với bí danh Tê Đơ (T2), sinh ngày 10/01/1910 tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ mười trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Đồng chí Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh, còn được biết đến với bí danh Tê Đơ (T2)

Cha của đồng chí Phạm Kiệt là Phạm Quang Đình, một nông dân yêu nước, tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp từ rất sớm. Mẹ của ông là bà Võ Thị Vàng, một phụ nữ trung hậu, đảm đang, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chồng và con cái hoạt động cách mạng.

Quê hương của ông nằm trong vùng đất mang linh khí của núi Ấn và sông Trà tụ hội. Đây là nơi đã tạo ra cái nôi văn hóa và hình thành nhân cách của Phạm Kiệt, tạo cho ông những giá trị tinh thần cao quý và là điểm tựa vững chắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông sau này.

Nhà quân sự tài ba

Năm 1928, Phạm Kiệt và một số đồng chí thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại huyện Sơn Tịnh. Đến năm 1930, ông được phụ trách Công hội đỏ và Xích vệ đỏ tại địa phương. Ngày 17/01/1931, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh.

Tháng 6/1931, ông bị mật thám Pháp bắt giữ tại nhà lao Quảng Ngãi, sau đó chuyển đến nhà lao Lao Bảo, Quảng Trị. Ông được xác định là một trong những nhân vật cách mạng quan trọng, sau đó được chuyển đến nhà tù Buôn Mê Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng quan trọng khác của Đảng như Nguyễn Chí Thanh và Trương Quang Giao.

Trong thời gian bị giam giữ, ông và các đồng chí khác tích cực xây dựng tổ chức chi bộ trong nhà tù, bí mật đào tạo, hướng dẫn và trang bị kiến thức lý luận, kỹ năng cũng như phương pháp vận động quần chúng cho các đảng viên mới. Ông cũng là một trong những người đề xuất và lãnh đạo thành công các vụ vượt ngục cho nhiều nhà cách mạng, trong đó có Nguyễn Chí Thanh.

Cuối năm 1943 sau khi mãn hạn tù, thực dân Pháp chuyển ông và một số tù chính trị khác đến Căng an trí Ba Tơ. Tại đây, ông tiếp tục tham gia Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 12/1944, ông và các đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, do Trương Quang Giao làm Bí thư.

Vào tối ngày 10, rạng sáng 11/3/1945, được sự phân công của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, Phạm Kiệt làm Đội trưởng, Nguyễn Đôn làm Chính trị viên và Nguyễn Khoách làm Đội phó, các thành viên của Ban lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ đã trực tiếp chỉ huy 17 thành viên và dân tộc anh em ở Ba Tơ để đánh chiếm đồn Ba Tơ, lật đổ chính quyền thực dân Pháp và thành lập chính quyền cách mạng địa phương.

Trung tướng Phạm Kiệt (ở giữa) nghe Ban chỉ huy đồn biên phòng 34 báo cáo tác chiến

Trong tháng 8/1945, đồng chí Phạm Kiệt là ủy viên của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi và đảm nhận vai trò chỉ huy Đội Du kích Ba Tơ nổi tiếng. Trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Ngãi, ông đã dẫn dắt Đội Du kích Ba Tơ đánh chiếm các địa bàn quan trọng của tỉnh.

Nhờ tài năng quân sự nhạy bén, linh hoạt và mưu lược của mình, đồng chí Phạm Kiệt đã dẫn dắt nhiều trận đánh nổi tiếng tại các tỉnh, bao gồm Chiến dịch Ma-Đrắc, mặt trận Phú Yên, đặc biệt là mặt trận phòng thủ Nha Trang 101 ngày đêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tướng Phạm Kiệt cùng lãnh đạo Nhà nước trao đổi về mùa xuân trồng cây tại Hà Tây

Từ cuối năm 1949, đồng chí Phạm Kiệt được Trung ương giao nhiệm vụ tới Việt Bắc, trực tiếp tham gia các chiến dịch Biên giới và Hòa Bình. Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Bảo vệ, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và là Hiệu phó Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khi tình hình chiến trường đang rất căng thẳng và quân dân ta đang háo hức chờ đợi lệnh tấn công, có không ít người lo lắng vì lực lượng pháo phòng không của ta còn yếu và chưa sẵn sàng chiến đấu, trong khi quân Pháp tập trung tất cả máy bay ở chiến trường Đông Dương về cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với vai trò đặc phái viên của Đại tướng và Tổng Tư lệnh, và trách nhiệm phụ trách công tác bảo vệ của Mặt trận, Phạm Kiệt đã suy nghĩ, trăn trở và dũng cảm đề xuất ý kiến cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đề nghị xem xét lại kế hoạch "Đánh nhanh, thắng nhanh".

Ý kiến đề xuất của ông, cùng với các tin tức trinh sát từ các mặt trận gửi về, cung cấp nhiều thông tin quan trọng để Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đề xuất với Đảng ủy quyết định thay đổi phương châm tác chiến và kế hoạch, từ phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, thắng chắc", nhằm đảm bảo cho quân và dân ta chắc thắng tại Điện Biên Phủ.

Người học trò gần gũi của Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và niềm tin đặc biệt đối với Tướng Kiệt. Sau Chiến dịch Biên Giới, có đồng chí tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩu súng cacbin chiến lợi phẩm mang số 585440. Một hôm, Bác gọi ông Kiệt lên làm việc, sau đó trao cho ông khẩu cacbin và nói: “…Chú là người xông pha trận mạc, cần thứ này hơn Bác, Bác tặng chú đấy”. Hiện nay, khẩu Cacbin 585440 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Trung tướng Phạm Kiệt đứng phía sau Bác Hồ

Đầu năm 1954, vợ và ba con của ông từ Khu 5 được đưa ra Việt Bắc, Bác Hồ lại tặng bà Trần Thị Ngộ - phu nhân ông Phạm Kiệt, một khẩu súng lục hiệu mô-de (mauser) 6,35mm số 707271 và dặn: “Cô dùng nó để tự vệ và bảo vệ các cháu cho chú yên tâm nơi chiến trường nhé!…”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trung tuần tháng 5/1954, Bác Hồ gọi Phạm Kiệt lên và tặng ông một chiếc radio. Bác vui vẻ nói: “Đây là chiếc đài mà Đờ Cát dùng suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ!”. Cũng như khẩu súng carbin, chiếc đài này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Chiếc đài Bác Hồ tặng Tướng Phạm Kiệt

Trong hàng ngũ tướng lĩnh của Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ 1945-1975, Trung tướng Phạm Kiệt được coi là một tướng lĩnh đặc biệt. Điều đặc biệt này không chỉ xuất phát từ vai trò của ông là Đội trưởng của Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, mà còn bởi ông đã khiến kẻ thù phải kinh sợ mỗi khi nghe đến bí danh Tê-đơ (T.deux, T2). 

Ông Thư Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ (bìa trái) trao đổi công việc với tướng Phạm Kiệt

Ông là người học trò gần gũi của Bác Hồ, được Bác dành tình cảm và niềm tin đặc biệt, được Bác tặng cho 3 bảo vật vì những thành tích xuất sắc trong chiến dịch lịch sử tại Điện Biên Phủ năm 1954. Ngoài ra, ông còn có mối quan hệ sâu sắc và thân tình với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tạo nên một nhân duyên lớn, mẫu mực về tình bạn chiến đấu và tình cảm chân thật, trọn vẹn nghĩa tình giữa ba vị tướng - ba con người huyền thoại.

Năm 1958, ông được thăng quân hàm lên Đại tá. Vào đầu năm 1960, Đại tá Phạm Kiệt chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4 năm 1961, ông được thăng quân hàm lên Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Biên phòng). Tháng 4 /1974, ông được thăng quân hàm lên Trung tướng.

Tướng Phạm Kiệt qua đời vào ngày 23/11/1975 và được an táng tại Hà Nội. Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh ngay trong ngày ông từ trần và được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 25/7/2012.

TIN LIÊN QUAN