Phạm Đôn Lễ là người làng Hải Triều, tên nôm là làng Hới, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ chính danh trạng nguyên khoa Tân Sửu (1481), niên hiệu Hồng Đức 12, đời vua Lê Thánh Tông. Phạm Đôn Lễ cũng chính là Trạng nguyên đầu tiên được vua ban Lệ vinh quy bái tổ và được triều đình cấp ngựa công để cưỡi.
Sau khi thi đỗ, Phạm Đôn Lễ được cha nuôi kể cho nghe về quê hương, bản quán của mình. Đến lúc này, ông mới biết được quê của mình ở làng Hải Triều, ven sông Luộc. Nghe chuyện xong, ông quyết tâm đi tìm lại gia đình mình.
Phạm Đôn Lễ lần tìm đến làng Hải Triều, thấy có một hàng nước cũ kỹ xiêu vẹo bên bờ sông. Ông vào nghỉ chân rồi lân la hỏi chuyện cụ chủ quán. Đó là một cụ bà với mái tóc bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn còn tinh nhanh.
Khi hỏi đến chuyện con cái, cụ bỗng nhiên buồn rầu rồi kể về người con trai bị thất lạc năm lên ba tuổi, đến nay đã hơn 30 năm. Bà vẫn ngày ngày ở đây vừa bán hàng nước, vừa để nghe ngóng tin con với hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp lại con trai của mình.
Sau khi nghe xong câu chuyện, Phạm Đôn Lễ cảm thấy quặn lòng, ông bèn hỏi bà cụ rằng có còn nhớ con trai có đặc điểm gì không? Lúc này, cụ bà vừa khóc vừa nói rằng con có một nốt ruồi đỏ như son ở giữa bàn chân trái.
Trạng nguyên nghe xong thì đoán đây chính là mẹ mình nhưng ông vẫn cố nén lòng rồi xin phép bà cho được nằm nhờ trên chõng tre, cố ý gác chân để lộ nốt ruồi đỏ. Nhìn thấy cảnh này, bà cụ bật khóc còn Trạng nguyên nhanh chóng ôm lấy người mẹ của mình sau mấy chục năm xa cách vì thất lạc.
Ông tổ nghề dệt chiếu Việt Nam
Làm quan đến chức Tả thị lang, Phạm Đôn Lễ được cử đi sứ sang nhà Minh. Trên đường đi đến vùng Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ông nhận thấy người dân nơi đây cũng làm nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, chiếu ở đây lại được làm nhanh hơn mà còn đẹp và bền.
Khi trở về nước, Phạm Đôn Lễ đã đem các kỹ thuật dệt chiếu mà ông học hỏi được đem truyền bá cho dân làng Hải Triều và dân các làng miền duyên hải trấn Nam Sơn Hạ. Nhờ có những cải cách kịp thời của Phạm Đôn Lễ, nghề dệt chiếu thủ công ở các vùng ven biển miền Bắc trở nên phát triển vượt bậc, làng Hải Triều cũng từ đó trở thành làng dệt chiếu nổi tiếng.
Tương truyền, người dân Hải Triều đã làm nghề dệt chiếu từ lâu, tuy nhiên, người dân nơi đây lại dệt bằng khung đứng. Do vậy, chiếu làm ra không đẹp và tốc độ sản xuất cũng chậm. Không những giúp người dân mở mang nghề trồng cói, Phạm Đôn Lễ còn có sáng kiến cải tiến cách dệt chiếu bằng khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc để làm cho sợi đay luồn cói, chao cói nhanh hơn và sợi đan được nhiều hơn.
Cũng từ đó, chiếu của làng Hới làm ra vừa đẹp, phẳng. Nhờ có công truyền dạy kỹ thuật dệt chiếu cói, ông được dân làng tôn xưng là Trạng Chiếu, thậm chí dân gian còn tương truyền rằng: “Ăn cho hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới.
Dưới thời vua Lê Uy Mục, khi triều đình suy thoái, gian thần thì lộng hành, Phạm Đôn Lễ lúc đó đang làm đến chức Thượng thư, quyết định từ quan để cùng vợ con trở về lại làng Hải Triều. Sau đó, gia đình ông lại trở về quê cha ở làng làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Trạng Chiếu mở trường dạy học đến cuối đời. Sau khi ông qua đời, dân làng nơi đây vì cảm kích tấm lòng của vị Trạng nguyên liêm khiết nên đã xây dựng lăng mộ Phạm Đôn Lễ khá quy mô. Quê nhà làng Hải Triều cũng lập đền thờ vị Trạng nguyên này và chạm khắc bài thơ ca ngợi ông, trong đó liên tục nhắc đến chữ “Thần”.