Chị Hằng ở Q.7 (TP.HCM) cho biết, cách đây khoảng nửa năm thỉnh thoảng chị mới nhận được tin nhắn rác, tuy nhiên thời gian gần đây tin nhắn tới tấp nập. Trong số những tin nhắn giới thiệu nhà đất có những tin nhắn không có thực, như trường hợp của chị Thanh Thảo (Q.Tân Bình, TPHCM) khi nhận được tin nhắn: “Chào chị, em là Thanh, bên em có xuất ngoại giao mua chung cư…”. Sau đó, chị Thảo liên lạc thì lại không hề có xuất ngoại giao nào cả.
Với những số điện thoại đẹp như của chị Thảo, mỗi ngày có thể nhận đến cả chục tin nhắn rác. Thậm chí mặc dù chị Thảo đang ở TP.HCM nhưng vẫn nhận được tin nhắn chào mua nhà đất ở tận Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Đại diện một doanh nghiệp có dự án bất động sản đang mở bán cho biết, trong điều khoản hợp đồng giữa chủ đầu tư với các nhà môi giới có điều khoản về việc đảm bảo tốc độ bán hàng.
Các thuê bao di động bị “dội bom” bởi tin nhắn rác |
Tin nhắn rác… cực rẻ
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên nhân bùng nổ quảng cáo qua gửi tin nhắn rác chủ yếu do kênh này rẻ hơn nhiều so với kênh tin nhắn hợp pháp. Nếu như chi phí cho việc sử dụng dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn hợp pháp tương đối cao, ước khoảng 600 đồng/tin nhắn, thì chi phí cho việc gửi tin nhắn rác quảng cáo lại tương đối rẻ, ước khoảng 250 đồng/tin nhắn (trong trường hợp có chương trình khuyến mại, chi phí cho việc gửi tin nhắn chỉ còn 100-150 đồng/tin nhắn).
Trong khi đó, các nhà mạng cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát các loại tin nhắn này. Bởi vì các loại tin nhắn đều được phát tán từ thuê bao di động này đến thuê bao di động khác, doanh nghiệp viễn thông không thể kiểm tra được nội dung tin nhắn của khách hàng.
Hoàng Tuấn