Vì sao ngành nông nghiệp khó thu hút đầu tư?

(NTD) - Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lại không hề dễ dàng.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng sức hút đầu tư vẫn còn yếu.

Nhiều rào cản

Năm 2018 được đánh giá là năm thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235. Song, đầu tư theo chuỗi mới đạt gần 5.000, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước là con số quá nhỏ.

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu than phiền: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là rất nhiều, nhưng hiệu quả thực tiễn đi đến doanh nghiệp là điều còn rất quan ngại. Ví dụ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vẫn là câu chuyện không hề dễ dàng.

“Tôi là người thành phố, ra ngoài Bình Thuận mua đất trang trại làm, lên ngân hàng hỏi vay, ngân hàng nói thành phố thì về thành phố vay, còn về hỏi ngân hàng thành phố thì ngân hàng ở đây nói là tài sản nằm ngoài kia thì ra ngoài kia vay, rốt cuộc không vay được gì hết” - ông Lãm nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn từng nhận định về thủ tục thực hiện ưu đãi cho ngành nông nghiệp hiện nay còn rất nhiêu khê, một dự án muốn nhận được tiền hỗ trợ phải qua 16 bước với khoảng 40 thủ tục, rất rườm rà, mang nặng hình ảnh của cơ chế xin cho.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân có cảm nhận rất nhạy bén trong thị trường, họ thấy lĩnh vực nào không đem về lợi nhuận cho người ta thì người ta không làm. Nông nghiệp lợi nhuận thấp vì có rất nhiều rào cản về giấy tờ, thuế, thủ tục nên doanh nghiệp sẽ đầu tư lĩnh vực lợi nhuận cao và ít rào cản hơn. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp là nền tảng để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư vào khoa học công nghệ cho nông nghiệp ở nước ta rất kém cạnh tranh so với các nước. Cụ thể, nếu đầu tư vào khoa học công nghệ cho nông nghiệp ở nước ta chưa đầy 1 USD/ha thì ở Philippines là 7 USD/ha, Thái Lan là 10 USD/ha, Hàn Quốc là 670 USD/ha hay ở Nhật là 1.000 USD/ha. Chưa kể, hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bình quân người lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác. Năng lực liên kết hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế.

Đầu tư nông nghiệp sạch đang dần là xu thế, tuy nhiên vẫn vướng nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp đếm trên đầu ngón tay

Hiện nay số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, có tới trên 95% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian gần đây, có vài tín hiệu tích cực khi những ông lớn như CTCP Ô tô Trường Hải (THACO), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T (Vina T&T) đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Cụ thể, THACO đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn HAGL và Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai (HNG) với mục tiêu xuất khẩu hơn 300 ngàn tấn trái cây năm 2019 và xuất khẩu 1 triệu tấn trái cây đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đến hàng tỷ USD.

Gần đây công ty xuất khẩu trái cây Vina T&T cũng đầu tư xây dựng 2 nhà máy Kim Thanh 1 và Kim Thanh 2 lần lượt ở Bến Tre và Vĩnh Long với công suất 30 tấn/ngày để sơ chế và đóng gói sản phẩm nông sản. Trong năm 2018 đơn vị này xuất khẩu hơn 700 tấn dừa, 300 tấn thanh long, hơn 100 tấn nhãn và hàng chục tấn các mặt hàng như chôm chôm, vú sữa sang thị trường Mỹ, đạt kim ngạch khoảng 30 triệu USD. Hay gần đây nhất là CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân thành lập Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hoàng Quân với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Công ty lên kế hoạch xây dựng bốn dự án nông nghiệp công nghệ cao trên các nguồn đất sạch để trồng các loại cây ăn trái như thanh long, bơ... tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Vĩnh Long, TP.HCM.

Một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nêu trên là dấu hiệu tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển ngành nông nghiệp của nước ta. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.

 Nguyễn Ngọc

Nên đọc