Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất giao tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo UBND TP.HCM, Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. Việc thực hiện phải đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), quy định pháp luật về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP.HCM thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành theo phương thức PPP.
Với dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến cho rằng, khi đủ các điều kiện theo quy định thì thống nhất ủng hộ UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Trong quá trình xây dựng dự án, Đồng Nai phối hợp chặt chẽ thực hiện dự án đảm bảo tiến độ khi cấp có thẩm quyền quyết định.
Trước ý kiến của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy định của Luật Đường sắt 2017 ghi rõ: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý”.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Luật Đường bộ 2017 không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia. Bộ GTVT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Việc tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác 2 tuyến đường sắt này theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, việc kiến nghị cấp thẩm quyền giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tổ chức đầu tư, xây dựng 2 tuyến đường sắt trên là chưa phù hợp quy định Luật Đường sắt.
Do đó, nội dung này cần báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Đồng thời, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Vì vậy, thời gian thực hiện thủ tục sẽ dài hơn so với Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, đây là 2 dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công nước ngoài. Trong khi UBND tỉnh Đồng Nai chưa có Ban Quản lý dự án có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về lĩnh vực đường sắt nên đây cũng là nhược điểm nếu giao Đồng Nai triển khai dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, trường hợp Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt sẽ phù hợp với quy định về cơ quan có thẩm quyền tổ chức đầu tư xây dựng của Luật Đường sắt năm 2017. Bộ GTVT đã có Ban Quản lý dự án đường sắt là đơn vị trực thuộc có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đường sắt nên việc quản lý điều hành dự án sẽ thuận lợi.
Tuyến đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành là 2 tuyến đường sắt có nguồn vốn đầu tư rất lớn, dự kiến sẽ cần huy động thêm các nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài. Do đó, trường hợp Bộ GTVT là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ tổ chức đầu tư xây dựng sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn vốn vay.
UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư xây dựng 2 tuyến đường sắt.