Vì sao doanh nghiệp ngại đầu tư nhà ở xã hội?

(CL&CS) - Thiếu quỹ đất xây dựng, vướng cơ chế pháp lý, thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa đủ mạnh... để thu hút doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội.

Những năm gần đây, mặc dù hệ thống pháp luật về nhà ở ngày càng được hoàn thiện, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở. Thế nhưng theo Bộ Xây dựng, hiện còn tồn tại một số bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng NƠXH tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định...

Hiện nay nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư xây dựng NƠXH do vướng thủ tục và lợi nhuận thấp. Ảnh: T.L

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập trên, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực NƠXH nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Mới đây, tại Toạ đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn) và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (khoảng 18,58 triệu m2 sàn).

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng do thiếu quỹ đất để xây dựng NƠXH; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp...

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành cho biết, tỷ suất lợi nhuận ở một dự án NƠXH là 10-15%, con số này thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại nhưng mất đến 4-5 năm. Các doanh nghiệp không nhìn thấy lợi nhuận cao nên họ ít tham gia, chưa kể quy trình, thủ tục còn vướng mắc ở rất nhiều khâu.

Cũng theo ông Nghĩa, khi làm dự án NƠXH, điều doanh nghiệp quan tâm đầu tiên là vấn đề cơ chế, pháp lý. Hiện nay, thủ tục xin NƠXH bị vướng rất nhiều luật. Cụ thể, quy trình luật đầu tư và luật nhà ở trái ngược nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, đối với người mua là lao động tự do khi xin hồ sơ mua NƠXH cũng gặp nhiều vướng mắc.

Nói về chính sách hỗ trợ cho vay, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, nhà nước nên cân đối hỗ trợ cho đối tượng tạo ra quỹ NƠXH là doanh nghiệp và hỗ trợ cho người mua nhà là người dân. Hai hỗ trợ phải bằng nhau, bởi nếu tập trung hỗ trợ người dân nhưng không hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ không có quỹ nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận, nhiều thủ tục hiện nay còn vướng khiến doanh nghiệp gặp khó như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án...

Chủ tịch HoREA đề nghị, Bộ xây dựng nên nghiên cứu đề xuất xây dựng quy trình phê duyệt NƠXH đơn giản hơn thành 3 bước: Chấp thuận đầu tư, duyệt quy hoạch 1/500 và cấp phép xây dựng.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương để đôn đốc hướng dẫn triển khai 2 gói hỗ trợ của Nghị quyết 11. Trong đó, đề nghị địa phương phải nghiêm túc dành quỹ đất trong các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại chương trình phát triển NƠXH theo chương trình phát triển nhà ở quốc gia cũng như rà soát lại quỹ đất trong dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp...

Đối với quỹ đất sạch, các địa phương khẩn trương chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư theo quy định Nghị định 49 và thông tư 09 năm 2021 của Bộ Xây dựng về dự án NƠXH.

Trước đó, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, trong đó có giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với NƠXH, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư như gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm; gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với các chủ đầu tư xây NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, thực hiện qua hệ thống ngân hàng thương mại với quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất.

TIN LIÊN QUAN