Vi phạm ghi nhãn hàng hóa: Do quy luật cung cầu

(NTD) – Đó là ý kiến của ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trong vấn đề ghi nhãn hàng hóa và quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán và lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tương cụ thể: hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trong nước sẽ có cách thức thể hiện, màu sắc và ngôn ngữ trình bày nhãn hiệu khác nhau.

Đối với “Người tiêu dùng”, nhãn hàng hóa là một trong trong những cơ sở quan trọng để nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng hàng hóa. Trong đó những nội dung quan trọng nhất đối với người tiêu dùng đó là tên hàng hóa, doanh nghiệp sản xuất và ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (đối với hàng hóa là thực phẩm). Đồng thời, các thông tin trên nhãn cũng là cơ sở để người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo đến doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật, không đảm bảo chất lượng...

Thực trạng vi phạm ghi nhãn hàng hóa vẫn còn tồn tại

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vi phạm ghi nhãn hàng hóa vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết, hiện nay nhiều người tiêu dùng vẫn mua những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của chính người tiêu dùng, họ cần phải phối hợp với các cơ quan nhà nước tẩy chay hàng hóa không có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng.

Do vậy, để đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Khi đó sẽ đảm bảo được về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.Các dấu hiệu có thể thể hiện việc ghi nhãn hàng hóa thông qua các giải pháp công nghệ cao như tem in 3D, kỹ thuật in, dập chìm... hoặc đơn thuần là những ký hiệu bằng chữ viết, hình ảnh, mép hàn, màu sắc, độ sắc nét của chữ, màu in....

Đối với “Nhà nước”, nhãn hàng hóa là một căn cứ để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Việc ghi nhãn với đầy đủ các thông tin bắt buộc theo quy định của pháp luật giúp xác định nguồn gốc hàng hóa, hàng hóa do doanh nghiệp nào sản xuất hoặc nào chịu trách nhiệm; các thông tin về chỉ tiêu chất lượng trên nhãn là một trong những căn cứ để kiểm tra, đối chiếu xác định chất lượng, tình trạng của hàng hóa; hàng hóa quá hạn sử dụng không được phép lưu thông trên thị trường...

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan nhà nước, cần phải thường xuyên thanh tra, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa, công bố các thông tin cảnh báo chất lượng theo quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mọi thông tin về Người tiêu dùng, xin mời xem thêm tại đây.

Hà Linh

Nên đọc