Vì lo ngại biến đổi khí hậu, giới trẻ toàn cầu không muốn sinh con

(NTD) - Được nuôi dưỡng trong một gia đình Công giáo ở Wauconda, ngoại ô thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ), trong suốt thời kỳ đi học ở trường trung học Công giáo, Brandalyn Bickner đã ấp ủ ý niệm mình sẽ trở thành mẹ của 13 đứa con. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, cô bớt xuống chỉ sinh 4-5 con, rồi thì chỉ còn một!

Thế rồi đến năm 23 tuổi, cô gia nhập Peace Corps ở Malawi và bắt đầu thấy những lý do để điều chỉnh kế hoạch của mình: Không muốn sinh con vì tình trạng biến đổi khí hậu đang là vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu. Nhiều người trẻ trên thế giới cũng không muốn sinh con như cô. Bài viết sau đây của nhà báo Ted Scheinman thuộc BBC Worklife.

Sau một thời gian công tác tại Peace Corps ở Kasungu (Malawi), Chase Morgan không muốn sinh con do quan ngại về tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: Brandalyn Bickner).

Không muốn sinh con vì xã hội cần giúp đỡ

Bickner nói: “Ở Malawi trong 4 năm, tôi đã thấy khá nhiều tác động của biến đổi khí hậu đối với một đất nước chủ yếu là nhiều nông dân tự cung tự cấp”. Hằng ngày, cô tận mắt chứng kiến thời tiết thay đổi và rồi cô cảm thấy mình có lỗi trong việc nước Mỹ xả thải nhiều carbon.

Bickner, nay 28 tuổi, đã nhanh chóng nhận ra rằng có một con ở Mỹ chứ đừng nói đến 4-5 hay 13 đứa nhưng như thế cô cũng làm phát thải ra nhiều khí carbon. Tại các nước phát triển, lượng khí thải carbon của một đứa trẻ là khoảng 58,6m3/năm, trong khi đó, lượng phát thải của trẻ em Malawi được ước tính vào khoảng từ 0,07-0,1m3/năm.

Khi còn làm chuyên gia về các vấn đề công chúng tại một cơ quan liên bang ở Malawi, Bickner có tình cảm với một thành viên cùng trong Peace Corps là Chase Morgan, nay 30 tuổi, công tác tại một cơ quan phát triển quốc tế về cơ sở hạ tầng năng lượng. Một năm sau, cả hai bắt đầu hẹn hò, và hiện đang sống cùng nhau ở Washington, DC. Cả hai nằm trong một phong trào thế hệ mới nổi không muốn sinh nhiều con vì biến đổi khí hậu.

Meghan Kallman (trái) và Josephine Ferorelli là hai đồng sáng lập của Conceivable Future. (Ảnh: Maya Lilly).

Cá nhân và tổ chức vận động không sinh con

Theo Betsy Hartmann, Giáo sư danh dự về khoa học phát triển tại Đại học Hampshire ở Massachusetts (Mỹ): “Tỷ lệ sinh đã giảm trên toàn cầu, với quy mô gia đình trung bình khoảng 2,5 con”.

Tương tự, một nghiên cứu năm 2017 được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ) đã mô hình hóa các chính sách khác nhau chống lại việc có con và kết quả của chúng, bao gồm cả chính sách một con toàn cầu.

Hai tổ chức Conceivable Future và BirthStrike (đóng tại Vương quốc Anh), lập luận rằng những lo ngại về khí hậu đang kìm hãm lựa chọn sinh sản của những người trẻ có ý thức về khí hậu. Họ khuyến khích mọi người trên khắp thế giới chia sẻ những câu chuyện bất định về việc sinh con và huy động một thế hệ những người sắp làm cha mẹ thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu bằng cách cổ súy cho quyền quyết định có con cái hay không.

Ra mắt vào cuối năm 2014, Conceivable Future điều hành một website nơi mọi người trên khắp thế giới có thể chứng thực về mối quan tâm của họ đối với khí hậu và nuôi dạy con cái, cũng tổ chức các bữa tiệc tại nhà trên khắp thế giới để thảo luận về vấn đề này.

Nhà đồng sáng lập Josephine Ferorelli ước tính Conceivable Future đã tổ chức hoặc tạo điều kiện cho khoảng 50 cuộc gặp gỡ như vậy trong vài năm qua. Tổ chức BirthStrike chia sẻ mục tiêu chuyển trọng tâm từ dân số sang cách hạn chế thải carbon.

Blythe Pepino, hiện 33 tuổi - một nhà hoạt động và nhạc sĩ, người sáng lập BirthStrike vào cuối năm 2018, nói rằng BirthStrike nhằm mục đích thúc đẩy các nước phát triển tích cực giảm sát lượng khí thải, các thành viên đã tuyên bố không muốn có con cho đến khi biến đổi khí hậu không tác động nhiều đến hành tinh đang sống.

Blythe Pepino sáng lập ra BirthStrike mà hầu hết các thành viên tuyên bố sẽ không sinh con cho tới khi tương lai của Trái đất được cải thiện. (Ảnh: Kay Michael).

Nhiều người không muốn sinh con hoặc có ít con

Trong sự mù mịt của tương lai, rõ ràng đối với nhiều cặp vợ chồng, không có câu trả lời dễ dàng nào về việc có con hay không. Pepino nói rằng ở độ tuổi 20, cô đã nghĩ đến việc không có con, nhưng nói thêm rằng mọi thứ giờ đã khác.

“Tôi đã cân nhắc kỹ càng khi gặp người bạn đời. Hai vợ chồng nay có thể sẽ có con, nhưng cũng có thể nhận con nuôi vì tôi sẽ không sinh con cho đến khi thế giới chứng kiến việc phi carbon hóa thật sự vốn phải đi đôi với giảm phát triển, giảm tiêu thụ, khai thác và giảm phá hủy môi trường sống tự nhiên của các sinh vật” - Pepino nói.

Bickner và Morgan cũng ở trong tình huống tương tự. “Hai chúng tôi đều để ngỏ việc nuôi dưỡng và khả năng nhận con nuôi trong tương lai trong những hoàn cảnh phù hợp. Nhưng tôi cảm thấy hài lòng với quyết định từ bỏ việc tạo ra thêm người cho thế giới này” - Bickner nói.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khí hậu đang trở thành vấn đề cần cân nhắc đối với một số cặp vợ chồng khi họ nghĩ về việc xây dựng gia đình. Business Insider thực hiện một cuộc thăm dò hồi năm 2019, cho biết có gần 38% người Mỹ tuổi từ 18-29 tin rằng các cặp vợ chồng nên cân nhắc về biến đổi khí hậu khi quyết định sinh con.

Năm 2018, một cuộc thăm dò trên tờ New York Times cho thấy một phần ba đàn ông và phụ nữ Mỹ tuổi từ 20-45 đã cho rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố khiến họ quyết định sinh ít con.

Phó giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Yale-NUS ở Singapore: Matthew Schneider-Mayerson, vừa đã thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết 901 người trưởng thành trên khắp thế giới tuổi từ 27-60, cho biết rằng họ “kết nối biến đổi khí hậu với lựa chọn có con cái”.

Ông nói: “Những lo lắng về việc liệu con cái có thể có một cuộc sống tốt trong tương lai hay không khi khí hậu thay đổi, là cảm giác hết sức chân thật và sâu sắc. Nếu thế giới không có phản ứng ngay lập tức với biến đổi khí hậu, nhiều người trẻ sẽ không muốn có con”.

Kim Thoa (Theo BBC News)

 

Nên đọc