Vi khuẩn ăn thịt người Whitmore có thể lây lan nhanh vì biến đổi khí hậu

(NTD) - Bệnh Whitmore - tên khác gọi là melioidosis, phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar khoảng 100 năm trước, nhưng được cho là đã tồn tại hàng ngàn năm qua. Đây là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn burkholderia pseudomallei, sống trong đất và nước, khi con người đang ở trong vùng bị nhiễm khuẩn, rất dễ bị lây.

Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc với đất, nước, bụi bị nhiễm khuẩn, nhất là qua xây xước ngoài da.

Căn bệnh chết người và “khó nhằn”

Vi khuẩn sau đó có thể lây lan từ da sang máu, đến gan, thận, xương, mắt, tim và thậm chí não. Nó lây lan sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bị ô nhiễm.

Căn bệnh này thường được tìm thấy ở vùng nhiệt đới như Đông Nam Á và Bắc Australia, mỗi năm ảnh hưởng khoảng 165.000 người và gần một nửa trong số đó – 89.000 người, thiệt mạng.

Vấn đề là căn bệnh này rất khó chẩn đoán. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, mỗi thể bệnh có triệu chứng lâm sàng khác nhau từ ho đến sốt, nên dễ bị bỏ sót hoặc chuẩn đoán nhầm với các bệnh lý viêm phổi thông thường.

Căn bệnh cũng mất tới 21 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Các loại kháng sinh thông thường không có tác dụng. Hiện vẫn không có loại vaccine nào để ngăn ngừa căn bệnh này.

Bệnh vẫn có thể được chữa trị với kháng sinh nếu được phát hiện sớm. Nhưng nếu dùng sai thuốc, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 70%. Căn bệnh này được chính phủ Mỹ liệt vào danh sách những căn bệnh có thể là “vũ khí hóa học” rất nguy hiểm.

Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sinh sôi trong máu cừu sau 72 giờ đồng hồ

"Căn bệnh của nước nghèo"

Theo Nature Microbiology báo cáo từ năm 2016, căn bệnh này không hề hiếm, mà thực tế chỉ ít được quan tâm. Lý do có thể là vì bệnh chỉ tập trung ở một số khu vực trên thế giới: các nước Đông Nam Á nhiệt đới, Ấn Độ, Brazil  - phần lớn là nghèo khó. Và tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến vi khuẩn burkholderia pseudomallei lây lan nhanh.

Báo cáo cho thấy căn bệnh này ít được báo cáo tại 45 nước trên thế giới. Đáng lo ngại hơn, bệnh có thể trở thành dịch bệnh ở 34 quốc gia mà nó chưa bao giờ xuất hiện. Ở những nước nhiệt đới đang phát triển, căn bệnh này thường không được phát hiện vì cơ sở y tế thiếu thốn, nhân viên y tế chưa đủ kiến thức, kỹ năng và hệ thống báo cáo yếu kém.

Biến đổi khí hậu khiến vi khuẩn lây lan. Có lẽ không hẳn tự nhiên mà căn bệnh chết người này trở lại với cường độ mạnh như vậy. UN Dispatch gọi bệnh Whitmore là căn bệnh của biến đổi khí hậu.

Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei vô hiệu hóa các loại thuốc kháng sinh thông dụng

Vi khuẩn burkholderia pseudomallei thích đất mặn và diện tích khu vực này sẽ mở rộng khi mực nước biển dâng lên. Chúng cũng thích đất đã bị con người tác động để gia tăng năng suất. Theo các chuyên gia, nó chỉ là một trong những căn bệnh nhiệt đới sẽ hoành hành khi khí hậu thay đổi và trái đất nóng dần lên.

Được ghi nhận từ những năm 1950, căn bệnh giết người này xuất hiện lẻ tẻ ở một số tỉnh thành ở Việt Nam rồi dường như bị lãng quên. Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã có tới 20 người bị nhiễm bệnh. Chỉ riêng trong tháng 8, Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội tiếp nhận 12 bệnh nhân, trong đó 4 người đã chết.

Một trong các nạn nhân người Việt đã bị vi khuẩn "ăn mất vùng cánh mũi". Hiện căn bệnh này đang có dấu hiệu lây lan sang nhiều khu vực như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên…. khiến nhiều người lo lắng.

                                                                                        Tường Quyên

                                                                 (Theo BBC News - Ảnh: Getty Images)

Nên đọc