Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu thủy sản tháng 2/2021 đạt 405 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu cá tra có nhiều tín hiệu tích cực với kim ngạch 2 tháng đạt 214 triệu USD, tăng 1,7%. Đặc biệt trong tháng 1, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%.
Sở dĩ, tình hình xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại là do giá trị xuất khẩu sang thị trường các nước bắt đầu tăng mạnh, đem lại doanh số cao hơn nhiều so với năm trước.
Theo VASEP, ngoài khách hàng Trung Quốc, các đối tác từ Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh ở nhiều thị trường trong tháng đầu năm như sang Mỹ tăng 51%; sang các nước nằm trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 38% như Mexico tăng 73%, sang Úc tăng 45%, sang Canada tăng 42%; các thị trường khác gồm Brazil, Colombia, Anh, Nga cũng tăng từ 37 – 129%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng hải sản sau 2 tháng đầu năm nay cũng đạt gần 420 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: VASEP
VASEP cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới vẫn nghiêng về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu và phù hợp cho chế biến tại nhà. Chẳng hạn tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phile, cá cắt khúc, mực khô… Trong khi đó, xuất khẩu tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú, giảm do giá cao và việc kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Sự đảo chiều trong các tháng đầu năm 2021 cho thấy sau khi tình hình dịch bệnh trong nước và nhiều nước trên thế giới phần nào được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy hải sản đã tăng trở lại.
Với đà xuất khẩu này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các sản phẩm sang Mỹ, EU và các nước CPTPP sẽ duy trì tích cực nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại.
Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang có thế mạnh về nguồn cung và vùng nguyên liệu ổn, sẵn sàng cho những mùa vụ sản xuất tiếp theo. Nhất là khả năng ứng phó và kinh nghiệm dày dặn của các doanh nghiệp trên thương trường. Kỳ vọng năm 2021 ngành thủy sản sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, để làm chủ thị trường, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn, có giá vừa phải, thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với sử dụng và tiêu thụ tại nhà như tôm đã qua sơ chế, chả cá, surimi, phile cá, cá cắt khúc, cá cơm khô, mực khô…
Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng thay đổi của bạn hàng các nước để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp hơn với tình hình, tránh bị động trước những thay đổi về nhu cầu, thị hiếu của thị trường.