Ngụy trang trong những “lớp áo” hoàn hảo
Theo Liên Hợp Quốc thì hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang dã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, chỉ sau buôn bán ma túy, người và vũ khí. Ước tính, mỗi năm lại có khoảng 48-153 tỷ USD trên thế giới bị thất thoát do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã. Chính vì lợi nhuận quá lớn đã khiến các đối tượng bất chấp pháp luật, tổ chức hoạt động ngày càng tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và tuồn các sản phẩm hoang dã ra thị trường.
Nhằm tìm ra tuyến đường buôn lậu sản phẩm ĐVHD, phóng viên đã tiếp cận tài liệu của Cơ quan Điều tra môi trường (Enviromantal Investigation Agency - EIA) - tổ chức dành nhiều năm quan sát, thâm nhập vào đường dây hoạt động phi pháp này. Hầu hết nhóm đối tượng luôn tổ chức thành những mắt xích chặt chẽ, có sự phân cấp vai trò, nhiệm vụ rõ ràng. Tại mỗi quốc gia, chúng đều cấu kết với đối tác người địa phương để dễ dàng hoạt động. Khi cần thiết, chúng sẵn sàng lập các công ty “ma” tại mỗi quốc gia để làm điểm trung chuyển hàng hóa.
Trong những năm gần đây, các đối tượng buôn lậu đã khiến Việt Nam phải hứng chịu tai tiếng là trung tâm quan trọng của việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Cụ thể, chỉ tính đến thời điểm này đã có ba vụ bắt giữ ngà voi số lượng lớn tại Việt Nam, nâng tổng khối lượng ngà voi nhập lậu lên 56 tấn chỉ trong 9 năm (từ 2009-2018). Tổng số khối lượng này tương đương gần 9.000 con voi đã bị sát hại để lấy ngà. Điều đáng nói, trong những năm gần đây, năm nào châu Phi cũng phát hiện, bắt giữ đối tượng người Việt Nam tham gia săn bắn, giết hại ĐVHD tại các quốc gia này.
Để đưa các sản phẩm hoang dã “lách” qua các quốc gia một cách an toàn, những đối tượng này thường ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Một trong nhiều “lớp áo” mà chúng “khoác” vào các sản phẩm hoang dã là những khúc gỗ đục rỗng ruột hoặc trộn lẫn vào các loại hàng hóa khác. Khi vận chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau, chúng cô lập thông tin theo từng “đầu nậu” (người vận chuyển) để dễ dàng “cắt đuôi” khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Chính vì lẽ đó, hầu hết các vụ vi phạm về ĐVHD thường khó phát hiện đối tượng chủ mưu. Riêng những phi vụ bị phanh phui, vạch trần, chúng còn tìm cách tăng cường hoạt động, thay đổi đường dây để nhanh chóng “lấy lại vốn”.
Sản phẩm từ ngà voi tại tiệm vàng K.C (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), chụp ngày 17/9/2019 và tiệm vàng T.T (TP. Rạch Giá, Kiên Giang). |
Được tiếp sức từ những “đầu nậu” mê muội
Giá phải trả Ngày 5/9/2019, TAND huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với đối tượng Nguyễn Gia Chinh về hành vi buôn bán, vận chuyển 2 cá thể hổ con đã chết. Tháng 7/2019, đối tượng Phạm Thị Vy (ngụ phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về việc buôn bán bình rượu ngâm gấu con. Cả hai đối tượng Chinh và Vy còn thường xuyên sử dụng internet để quảng cáo, buôn bán ĐVHD. |
Lần dò theo những thông tin trong “giới săn ngà”, chúng tôi tìm đến khu vực thôn Thượng (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nơi được mệnh danh là “lãnh địa” của các sản phẩm chế tác từ ngà voi để tìm hiểu. Mặc dù đã được “mật báo” về những địa điểm có bán sản phẩm trang sức từ ngà voi nhưng khi tìm đến thì các chủ tiệm đều xua tay, lắc đầu với chúng tôi. Theo người dân địa phương, muốn mua trang sức ngà voi xịn không khó nhưng phải có người quen giới thiệu chứ không ai dám bán cho khách lạ, lỡ gặp nhà báo hay cảnh sát thì coi như xong đời.
Được biết, tháng 6/2019, cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ T.A tại thôn Thượng vừa bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Công an thị xã Từ Sơn bất ngờ tổ chức khám xét đã phát hiện 6kg sản phẩm nghi ngà voi. Các sản phẩm này đã được chế tác thành nhiều loại trang sức bắt mắt (vòng tay, vòng cổ, mặt dây chuyền, nhẫn...), tượng Phật, đũa, lược... với nhiều kích thước khác nhau. Tại thời điểm bắt giữ, chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ và các giấy tờ có liên quan đến nguồn gốc các sản phẩm nói trên. Chủ cơ sở cũng khai nhận mua số sản phẩm từ những người không quen biết đến chào hàng.
Thời gian gần đây, có nhiều vụ bắt giữ liên quan đến việc buôn bán, tàng trữ trái phép sản phẩm từ ĐVHD trên khắp cả nước. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các “chân rết” (nhà bán lẻ) buôn bán trái phép sản phẩm từ ngà voi đều rất cảnh giác khi được khách lạ tìm đến. Tuy nhiên vì lợi nhuận béo bở, các đối tượng này vẫn âm thầm tìm cách tuồn các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng thông qua các “cửa hàng” di động trên mạng xã hội.
Tê tê là một loài có nguy cơ tuyệt chủng. |
Tràn lan trong các tiệm vàng
Tại một khu chợ trên địa bàn phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) phát hiện hàng loạt tiệm vàng như: N.H, K.C, K.H, V.H... trên đường Đoàn Trần Nghiệp kinh doanh nhiều nhẫn, vòng, bông tai, tượng Phật, mặt dây chuyền... từ ngà voi. Nhẫn được rao bán với giá từ 100-700 ngàn đồng/chiếc; vòng đeo tay có giá từ 2-30 triệu đồng/chiếc; mặt dây chuyền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Giá cả các sản phẩm phụ thuộc vào mẫu mã và khối lượng của ngà voi.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi cũng phát hiện nhiều cửa hàng bày bán các sản phẩm từ ngà voi công khai, bất chấp pháp luật, như: Tượng Phật, nhẫn, vòng... mà các chủ tiệm đều khẳng định đây là ngà voi, được chế tác từ nơi khác mang về. Theo đó, mỗi sản phẩm có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy mẫu mã và khối lượng ngà. Nhìn số vòng, nhẫn, tượng Phật... tại tiệm vàng T.T, chúng tôi nhẩm tính số lượng phải từ 5-7kg ngà. Thấy một phụ nữ đang lựa vòng ngà để đeo, chúng tôi ghé tai hỏi nhỏ: “Nghe nói mua ngà là vi phạm pháp luật phải không chị?”. Chị nhìn chúng tôi ngạc nhiên nói: “Nếu vi phạm pháp luật sao mấy tiệm vàng này bày bán công khai, dễ tìm mua như vậy được. Người ta bán cả đống được thì mình mua một hai cái vòng chắc chẳng làm sao!”.
Trên thực tế, hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến ngà voi có thể bị phạt từ 180-360 triệu đồng, tùy theo khối lượng ngà (từ 0,3 đến dưới 2kg) theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Nếu vi phạm trên 2kg ngà trở lên, ngoài việc bị phạt tiền thì người vi phạm còn phải thụ án từ 1-15 năm tù (từ 2kg đến trên 90kg), theo Điều 244 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hãy gọi 1800-1522 khi thấy ĐVHD cần cứu trợ 1800-1522 là đường dây nóng miễn phí tiếp nhận tin báo cứu trợ ĐVHD của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV). Đây là công cụ hiệu quả để kết nối cộng đồng trên khắp cả nước cùng chung tay ngăn chặn tình trạng buôn bán, nuôi nhốt trái phép ĐVHD tại Việt Nam. Nhờ sự góp sức của cộng đồng, mỗi tháng ENV cùng các cơ quan chức năng giải cứu hàng chục cá thể ĐVHD bị bắt giữ, buôn bán trái phép. Cụ thể, tính riêng tháng 8/2019, ENV đã giải cứu thành công 36 cá thể ĐVHD gồm nhiều loài quý hiếm như: Vượn, rùa và mèo rừng. |
Sương Mai