Văn hóa Tết của người miền Nam

(NTD) - Mỗi một vùng miền đất nước Việt Nam có một truyền thống đón năm mới khác nhau. Chính vì cái khác nhau đó, đã tạo nên một sự đa dạng và phong phú cho nền văn hóa Việt. Khi những cành hoa đào ở phía Bắc hé lộ sắc đỏ báo hiệu mùa Xuân về, những cánh mai vàng hé nở trong nắng ấm cũng cho thấy Tết đã về với miền đất phương Nam.

Đối với người Nam bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu.

Khác với miền Bắc dành cả Tết để đi thăm chúc họ hàng và bạn bè, trong Nam mọi người coi Tết là dịp đi chơi và nghỉ ngơi cuối năm nên các gia đình, nhóm bạn thường tổ chức những chuyến đi chơi xa.

Chợ Tết trên sông

 

Ông bà ta vẫn thường nói: "Nhất cận thị, nhì cận giang", chiếc ghe (xuồng) vừa là phương tiện di chuyển, vừa là ngôi nhà di động của nhiều người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khác với các chợ trên bờ, chợ nổi miền Tây Nam Bộ thể hiện tính linh hoạt cao. Chợ thường họp nhộn nhịp tấp nập ở những điểm giao của các nhánh sông như ngã năm, ngã bảy, nơi người ta dễ dàng trao đổi nông sản như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ Ngã bảy Phụng Hiệp, Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Gành Hào (Cà Mau)... Đặc biệt, vào dịp Tết, các phiên chợ trên sông càng trở nên sầm uất khác thường.

Những chiếc ghe ngày Xuân khác hẳn với ngày thường. Chúng được khoác lên mình những chiếc áo hoa rực rỡ sắc màu chật kín trên cả khúc sông khiến cho du khách như lạc vào một thế giới kỳ thú. Nơi đây có đến hàng trăm chiếc ghe lớn đậu san sát. Hàng hóa không thiếu thứ gì, chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và đủ loại hoa khoe sắc. Ngày Tết đi chợ nổi mới thấy cái đông vui, độc đáo của một miền sông nước.

Mâm ngũ quả

 

Ngày Tết người miền Nam thường dâng lên ông bà tổ tiên mâm ngũ quả tượng trưng cho 5 hành của vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với mong ước sẽ đạt được nhiều điều may mắn trong năm mới.

Năm loại quả là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và trái thơm hoặc có người thích chưng trái dưa hoặc trái sung, với ý nghĩa bình dị: “Cầu vừa đủ xài” và cả năm được thơm thảo. Cầu ước đó cũng đúng như bản chất và lối sống của người Nam Bộ: không ham tích trữ, phóng khóang, khiêm nhường, giản dị, nên chỉ cần cầu có mọi thứ “vừa đủ xài”.

Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hòa; thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng, thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng ước vọng của con người. Tuy mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và của ý nguyện cầu hòa, an, đủ cho người Việt.

Mâm cổ ngày Xuân

Món ăn không bao giờ thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Nam Bộ là đĩa bánh tét, cũng giống như ngoài Bắc có bánh chưng. Nhưng nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là nhân thịt, có khi vài trái chuối cũng làm được nhân bánh, có nhà còn trộn thêm đậu đỏ. Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy ý gia chủ. Trong đó bánh tét mặn thường được mọi nhà dùng trong dịp Tết và ăn kèm với dưa kiệu.

Thịt kho trứng cũng là món không thể thiếu của người Nam bộ trong dịp Tết. Đây không những là món khóai khẩu mà nó còn thể hiện sự sung túc của gia chủ. Gần Tết, gặp nhau mọi người đã hỏi nhau xem năm nay kho mấy ký thịt, chứ không hỏi thịt mấy con gà như ngoài Bắc. Ngoài bánh tét và thịt kho trứng thì món canh khổ qua nhồi thịt, với ý nghĩa là ăn khổ qua để năm mới sẽ không còn khổ nữa, cũng luôn xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Bên cạnh đó do thổ nhưỡng cũng như đặc thù vùng sông nước cho nên những loại rau ăn kèm của người miền Nam cũng đa dạng và phong phú.

 

 Kiêng kỵ đầu năm

Trước lúc giao thừa, tất cả các thành viên phải có mặt đầy đủ tại nhà. Nếu ai không về kịp xem như cả năm sau người ấy phải bôn ba vì công việc làm ăn. Khi ai đến nhà, bất kể giờ giấc nào, gia chủ cũng dọn cỗ, mời uống rượu, ăn bánh. Khách không được từ chối bữa ăn, dù no cũng phải nhấm nháp chút ít khi ghé chơi vào tết. Nếu trong ngày Tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của, vậy nên khi quét dọn phải cất hết chổi.

Những ngày đầu năm, những người làm nông Nam bộ sẽ không để cối xay gạo trống vì theo quan niệm của họ, việc để trống như vậy sẽ làm cho năm tới thất bát, mất mùa. Những ngày Tết, họ thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.

Tết ở Nam bộ cho đến nay, cơ bản vẫn còn giữ một nét riêng và luôn tồn tại với thời gian. Có thể nói văn hóa vùng miền như một sợi chỉ kết nối siết chặt tô đậm thêm kho tàng văn hóa của người Việt.

Trần Phong (Ảnh: kiều phong)