Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu

(CL&CS) - Nhằm tổ chức một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, Báo Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”.

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nêu rõ: CMCN 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, những lề thói chậm chạp, trì trệ sẽ không thể gọi là văn hóa. Lẽ dĩ nhiên, mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc.

Quang cảnh hội thảo

Chính văn hóa tốc độ bắt buộc nhân viên phải có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, không có kỹ năng và kỹ luật, không tham gia được cái gọi là thời đại 4.0. Có thể nói, trong thời 4.0, quy mô không còn là lợi thế quyết định sức cạnh tranh mà tốc độ mới giữ vai trò quyết định. Để có được tốc độ trong cạnh tranh, cần phải thay đổi công nghệ và quản trị và để làm được điều đó phải chăm lo các nền tảng văn hóa, tinh thần.

Đây là một trong những vấn đề quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh 4.0. Trong CMCN 4.0, giá trị minh bạch càng được đề cao nhiều hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các công cụ quản lý ngày càng hiệu quả hơn, việc phân bổ công việc, nhiệm vụ của mỗi người sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, đánh giá hiệu quả công việc càng trở nên khách quan.

Vì vậy, thước đo minh bạch sẽ thể hiện sự chi phối lớn hơn trong các quyết định, các hành vi của mỗi người trong doanh nghiệp. Trong CMCN 4.0, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay cho văn hóa áp đặt. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại, văn hóa “áp đặt” được áp dụng rất phổ biến để đảm bảo người lao động tuân thủ quy trình, chấp hành nội quy làm việc, từ đó mới nghĩ đến việc đạt kết quả công việc mong muốn. Tuy nhiên, với sự thay thế của máy móc và các công cụ quản lý mới, con người có thể được phân công theo năng lực, đánh giá hiệu quả công việc rất rõ ràng. Dẫn đến người lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến hiệu quả mỗi cá nhân làm được mà không cần phải lo lắng các khâu trung gian.

Còn theo ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PRSchool và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA cho biết: Cùng với sự phát triển của công nghệ và thực tế toàn cầu hoá, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được làm mờ giữa các quốc gia. Lợi thế cạnh tranh tuyệt đối đã nhường chỗ cho lợi thế cạnh tranh tương đối, lợi thế so sánh và cuối cùng là lợi thế cạnh tranh động. Con người là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh cạnh tranh động.

Khi mạng xã hội lên ngôi vào những năm 2005, thế giới tiêu dùng bước sang một trang mới: thời của tương tác ngang hàng, tức thì, đa chiều và bản sắc. Người tiêu dùng được đặt ngang với nhà kinh doanh. Thậm chí, chu trình sản xuất và phân phối còn bị đảo lộn khi các nhà kinh doanh phải đặt câu hỏi về việc khách hàng cần gì trước khi thiết kế, tìm phương án sản xuất và kinh doanh.

Trong thời kì marketing 4.0, khi khách hàng phối hợp cùng doanh nghiệp để sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ; định nghĩa về tiền tệ, giá trị, lợi ích mang lại cho khách hàng, được phi vật chất hoá, tương tác trong các cộng đồng ngày càng quan trọng. Vì vậy, xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công bất kể họ đang ở đâu.

Hồng Liên

Nên đọc