Vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện pháp lý về đánh thuế GTGT cho phân bón

(CL&CS) - Tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) đối với ngành phân bón.

Đây được cho là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp trong ngành, cũng như người nông dân sau nhiều năm kiến nghị. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn cần thêm thời gian chờ đợi. Bởi, từ cuối năm 2014 đến nay, ngành phân bón đã trải qua những biến động lớn khi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón thay đổi.

Sẽ đánh thuế GTGT đối với phân bón. Ảnh minh họa

Ngành phân bón Việt Nam là ngành đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách điều tiết, bình ổn thị trường, hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận nguồn phân bón.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trước sự cạnh tranh của phân bón ngoại nhập cũng đã được ban hành trong những năm gần đây.

Cụ thể, phân bón được chuyển từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) tạo ra những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Do việc thay đổi chính sách thuế này, các doanh nghiệp sản xuất nội địa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất, từ đó đội giá sản phẩm phân phối ra thị trường và người nông dân chính là đối tượng chịu thiệt hại.

Một tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, khi phân bón chuyển sang diện không chịu thuế GTGT, giá thành phân đạm tăng 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6,1%... so với áp dụng thuế 5% như trước đây.

Bên cạnh đó, theo tính toán của Hiệp hội, tính từ năm 2015 đến 2019, thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của 11 doanh nghiệp phân bón lớn là 3.646 tỷ đồng. 2 doanh nghiệp là công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Công ty cổ phần DAP và Công ty cổ phần DAP số 2 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Đó là chưa kể phần thuế GTGT không được khấu trừ tính vào tổng mức đầu tư, tăng nguyên giá tài sản cố định.

Như vậy, lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân, nhưng kết quả thực tế đã cho thấy tác dụng trái ngược.

Trong những năm qua, việc đưa phân bón ra khỏi diện chịu thuế GTGT đã tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu xâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa nhờ nhiều lợi thế.

Theo số liệu thống kê, tháng 1/2015, ngay sau khi Luật 71 có hiệu lực thì sản lượng phân bón nhập khẩu tăng lên đột biến, urea nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với tháng 1/2014. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn phân bón, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD.

Sau nhiều năm các doanh nghiệp phân bón kiến nghị sửa Luật, trong tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB- VPCP ngày 18/6/2020, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa rõ thời gian nào Bộ Tài chính sẽ hoàn tất và trình Chính phủ.

N.N (t/h)

Nên đọc