Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt. Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều sớm Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5, dự kiến kết thúc cuối tháng 7/2024. Sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay giảm gần tới 50% so với năm trước do thời tiết không thuận lợi. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 khoảng gần 100.000 tấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 nghìn đồng/kg.
Ông Tấn cho biết thêm, Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ XK với diện tích gần 17.200ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu. Ông Tấn kiến nghị thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; thông tin các chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải; quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Bắc Giang với người tiêu dùng tại các nước; giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều trong mùa vụ 2024.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Điều này hình thành nên tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp và sản phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp cũng mang tính thời vụ trong đó có rau quả.
“Sản lượng rau quả trong mùa vụ là lớn nhất so với các thời điểm không phải thời vụ vì vậy nguồn cung rau quả khi vào vụ là dồi dào nhất, việc giao dịch mua bán và thực hiện hợp đồng sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn. Vì vậy, giá cả khi vào vụ thông thường là thấp nhất”, ông Bình cho biết và nhấn mạnh lượng rau quả thu hoạch rất lớn tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ việc thu hoạch, bảo quản, lưu trữ trong khi Việt Nam đang rất thiếu, yếu trong các lĩnh vực này.
Theo ông Bình, rau quả là các sản phẩm đặc biệt có thời gian bảo quản rất ngắn, nếu không được xử lý kịp thời, không có công nghệ bảo quản và kho lưu trữ thích hợp và không có nơi tiêu thụ thì rau quả sẽ hư hỏng gây thiệt hại cho xã hội.
Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần tổ chức, sắp xếp lại khâu sản xuất, thành lập các HTX hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy hoạch, theo thị trường, tuân thủ quy trình quy phạm, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap...) để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và đúng theo nhu cầu thị trường; nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận. Bên cạnh đó cần, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng (35-40%); khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản để giảm tỷ trọng xuất tươi, xuất thô…