Ứng dụng rộng rãi cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên

(CL&CS) - Ngày 15/4, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) đã tổ chức "Hội thảo quốc tế lần đầu tiên về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên". Sự kiện này kéo dài từ ngày 15/4 đến 17/4.

Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên.

Hội thảo quy tụ gần 120 đại biểu, là các diễn giả người nước ngoài đến từ 13 quốc gia trên thế giới, trong đó có các giáo sư, nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, như: GS.TS Christopher Scarlett, ĐH Newcastle (Úc); GS.TS Gontier Eric, ĐH Picardie Jules Verne, Amiens (Pháp); GS Ikuro Abe, ĐH Tokyo (Nhật Bản)… 

Đây là diễn đàn liên ngành cho các đại biểu trình bày công trình và công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những cải tiến mới, xu hướng, mối quan tâm cũng như những thách thức thực tế phải đối mặt. Từ đó tìm ra giải pháp áp dụng trong lĩnh vực sinh học cây dược liệu và những cải tiến trong nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên. Đây cũng là cơ hội để tất cả các bên duy trì mối quan hệ hợp tác, tạo ra các mạng lưới hợp tác đa ngành mới trong tương lai.

Các nhà khoa học cùng bàn về nhiều khía cạnh sinh học khác nhau của cây dược liệu ở cấp độ nông học và phân tử, sự phát triển và khám phá mới các hoạt chất chiết xuất, phân tử và thực phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, cũng như việc thành lập mạng lưới hợp tác công - tư trong lĩnh vực dược liệu Việt Nam và thế giới.

Hội thảo tập trung vào việc tạo ra diễn đàn liên ngành cho các nhà khoa học trình bày công trình và chia sẻ kết quả nghiên cứu, thảo luận về các cải tiến mới, xu hướng, mối quan tâm và thách thức trong lĩnh vực sinh học cây dược liệu và các hợp chất tự nhiên. Đặc biệt, hội thảo nhấn mạnh vai trò của Việt Nam, 1 trong 15 quốc gia có tên trong bản đồ cây thuốc, đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu và suy giảm hệ sinh thái.

Nội dung hội thảo gồm 3 chủ đề chính, gần 50 bài báo cáo tại phiên toàn thể và các phiên song song: Cây thuốc và các tài nguyên thiên nhiên có giá trị khác; Những tiến bộ trong việc khám phá các hợp chất từ tự nhiên; Trồng trọt, sản xuất và ứng dụng cây thuốc và các hợp chất có hoạt tính sinh học của chúng.

Hội nghị có sự tham gia của các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Ba bài báo cáo quan trọng mở đầu hội thảo với sự tham gia của GS. Dương Tấn Nhựt từ Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, GS. Eric Gontier từ Đại học Picardie Jules Verne, và GS. Nguyễn Thị Thanh Mai từ Đại học Quốc gia TP. HCM. GS. Dương Tấn Nhựt chia sẻ về quá trình 32 năm nghiên cứu sâm Ngọc Linh, một loại sâm có giá trị dược liệu và kinh tế quan trọng bậc nhất của Việt Nam. GS. Eric Gontier trình bày về “Phương pháp nghiên cứu tổng hợp BioEcoAgro” để định giá và tăng giá trị các loại thuốc cổ truyền. GS. Nguyễn Thị Thanh Mai báo cáo về “Cơ hội và thách thức trong nghiên cứu thuốc từ cây thuốc Việt”.

Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) cho biết, Trung tâm ICISE luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ trong nước chủ động xây dựng và chủ trì tổ chức các hội thảo quốc tế có chất lượng khoa học cao. Qua đó từng bước hình thành chuỗi các hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành do người Việt Nam trong nước tổ chức được cộng đồng khoa học quốc tế đón nhận tích cực.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 80% dân số trên toàn thế giới sử dụng cây thuốc để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Xu hướng này ngày càng tăng và đang thúc đẩy công cuộc đổi mới y tế theo hướng duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật từ thiên nhiên.

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia trên thế giới có tên trong bản đồ cây thuốc, nhờ lợi thế vị trí địa lý sở hữu động thực vật đa dạng với nhiều cây thuốc đặc trị, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái do phát triển không bền vững đã tạo ra nhiều thách thức với ngành sản xuất dược liệu Việt Nam, do đó cần những cách tiếp cận khoa học hơn cho việc phát triển cây thuốc, cũng như các sản phẩm từ thiên nhiên.

TIN LIÊN QUAN