Siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ
Theo ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia), từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra. Theo ông Chính, thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam”
Tuy nhiên, nỗ lực truy xuất nguồn gốc hiện nay còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, chỉ ra rằng các giải pháp đang được triển khai còn rất "manh mún, rời rạc". Nhiều doanh nghiệp lớn đã tự xây dựng hệ thống xác thực sản phẩm, nhưng lại thiếu một tiêu chuẩn chung được nhà nước công nhận và không có khả năng liên thông.
Theo ông Huy, trên thế giới, nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai để giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tại Mỹ, giải pháp IBM Food Trust là một ví dụ điển hình, cho phép truy xuất toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và được áp dụng bởi các nhà bán lẻ lớn như Walmart hay Costco. Ở châu Âu, các nền tảng dựa trên công nghệ blockchain như Trace4EU đã được triển khai trên toàn khu vực, trong khi tại Trung Quốc, các hệ thống tập trung được sử dụng để quản lý sản phẩm y tế. Nhìn chung, truy xuất nguồn gốc không phải là vấn đề mới, mà đã được quan tâm và giải quyết bằng nhiều cách, từ các giải pháp công, tư, đến mô hình công-tư kết hợp.
Trong 5 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ việc buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Nổi bật là tình trạng hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân…
Xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu
Trong số các giải pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, việc xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế quốc gia. Theo các chuyên gia, bằng công nghệ, việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá có thể thực hiện dễ dàng để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh.
Việc xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và là động lực quan trọng để phát triển bền vững
Tuy nhiên Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) cho hay, hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có một số bất cập. Đó là tình trạng không thống nhất mã định danh trên toàn quốc, chưa thể hiện được chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý không kiểm soát hiệu quả hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử; thiếu liên thông giữa truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng hàng hoá; không có cơ sở dữ liệu tập trung để đánh giá và kiểm soát hàng hoá. Doanh nghiệp không bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Trong khi đó người dân thì chưa có công cụ để truy xuất.
“Từ góc độ quản lý nhà nước về dữ liệu, chúng tôi nhận thấy việc triển khai các nền tảng truy xuất nguồn gốc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến như chuỗi khối (blockchain) là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thị trường và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Phạm Minh Tiến nêu. Đặc biệt, khi Việt Nam đẩy mạnh giao thương quốc tế và xuất khẩu, việc chứng minh được nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất sẽ giúp các đối tác quốc tế yên tâm.
Chia sẻ về kinh nghiệm châu Âu trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý và truy xuất nông sản, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp, đã khẳng định: “Truy xuất nguồn gốc không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững”.
Theo bà Marion Chaminade, để đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy, Pháp đang chuyển hướng sang các hệ thống số hóa. Một ví dụ điển hình là quy định mới, sẽ có hiệu lực từ năm sau, yêu cầu các nhà sản xuất ghi lại hồ sơ điện tử bắt buộc về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là bước tiến lớn, thể hiện rõ chiến lược “Từ nông trại đến bàn ăn”, kết hợp truy xuất nguồn gốc với mục tiêu phát triển bền vững thông qua hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.