Hơn 6.000 xe và gần 1.700 containe chờ thông quan
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tình trang ùn tắc nặng nhất tại tỉnh Lạng Sơn. Tổng lượng xe tồn tại 03 khu vực CK: Hữu Nghị,Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 25/12/2021 là 4.204 xe (so với 4.329 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 24/12/2021, lượng tồn đã giảm 125 xe). Trong đó, CK Quốc tế Hữu Nghị năng lực thông quan XK khoảng 150-200 xe/ngày, tồn 1.442 xe; CK chính Chi Ma: Năng lực thông quan XK khoảng 35-40 xe/ngày, tồn 614 xe; CK phụ Tân Thanh: Năng lực thông quan XK khoảng 180-200 xe/ngày, tồn 2.148 xe. Mặt hàng nông sản tồn chủ yếu: dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định); tinh bột sắn, chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây.
Tại Quảng Ninh, tại CK cầu Bắc Luân II, từ ngày 25/11/2021 khống chế lượng hoa quả Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu 50 container/ngày và từ 03/12/2021 hạn chế chỉ cho nhập khẩu 30 container/ngày (trong đó 20 conatiner hoa quả Thái Lan quá cảnh và 10 container Việt Nam XK). Tuy nhiên, thực tế các ngành CK Móng Cái điều tiết số lượng hàng hoa quả Việt Nam XK nhiều hơn hàng hoa quả Thái Lan quá cảnh.
Tại lối mở Km3+4 Hải yên, từ 25/11/2021 đến nay, do CK Kim Thành tạm dừng thông quan, CK Lạng Sơn ùn tắc và hiện nay chỉ có CK Hữu nghị thông quan song sản lượng chỉ đạt 30 container/ngày nên lượng hoa quả di chuyển về Lối mở Km3+4 Hải Yên để chờ XK tăng; chủng loại chủ yếu là Mít, Thanh Long. Cùng với đó, lượng lớn hàng thuỷ sản được DN đưa ra Lối mở Km3+4 Hải Yên chờ XK (chủ yếu là nhân Tôm thẻ chân trắng, cá Tra, cá Basa cấp đông). Lượng hàng thông quan hàng ngày đối với hàng hoa quả khoảng 10 container/ngày, Thủy sản cấp đông: 20 container/ngày; các loại hàng không bảo quản mát: tinh bột sắn, hạt điều, chè khô, chuối quả, thủy sản tươi sống, thủy sản ướp đá thông quan bình thường và không bị ùn tắc.
Như vậy, tính đến hết ngày 24/12/2021, lượng hàng nông sản, hoa quả, thủy sản XK còn tồn là 1.678 container. Trong đó CK cầu Bắc Luân II: 301 container hoa quả 40 Feet, trong đó: Hoa quả Việt Nam XK là 121 container; Hoa quả Thái Lan quá cảnh là 180 container.
Xe Việt Nam lưu bên Trung Quốc là 262 xe; xe Trung Quốc không có hàng lưu tại Việt Nam là 716 xe. Nguyên nhân xe không hàng Trung Quốc lưu bên Việt Nam lớn là do Trung Quốc thiếu lái xe trung chuyển nên chưa điều khiển xe giao hàng về được; Lối mở Km3+4 Hải Yên 1.377 container, trong đó: 63 container hàng tinh bột sắn, Chuối quả không bảo quản mát, Xoài sấy; 1.147 container hàng thủy sản cấp đông (nhân Tôm thẻ chân trắng, cá Tra, cá Basa, Mực), 167 container hoa quả báo quản mát (Mít, Thanh Long). Xe Việt Nam lưu bên Trung Quốc là 143 xe; xe Trung Quốc lưu bên Việt Nam là 140 xe.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đề khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa ở CK biên giới, trong Văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có các chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách nhà nước theo kiến nghị của địa phương khu vực biên giới cho phòng chống dịch COVID-19 (khử khuẩn, kiểm tra, tiêm vắc xin), hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng CK, kho, bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại các CK.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực vùng đệm nhằm phát hiện sớm và cách lý người/hàng hóa mắc COCID-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến “đóng biên tức thời”.
Đối với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các CK; nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại CK phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, DN dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, XK hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thông báo cho các DN XK về tình hình ùn tắc hàng hóa tại CK và về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hoá và đề nghị các DN kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có vi rút COVID-19. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên CK khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc và sau khi đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các CK.
Chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời nắm thông tin và phối hợp với các địa phương có CK biên giới với Trung Quốc để cung cấp, cập nhật thường xuyên về các quy định, yêu cầu của phía Trung Quốc đối với hàng nông sản XK.
Cùng với đó, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước; Dự báo, đánh giá tác động đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian giáp Tết trong trường hợp xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa với Trung Quốc và Trung Quốc dừng thông quan 14 ngày vào dịp Tết Nguyên đán.
Đối với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ này đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.
Đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng (cơ quan được giao làm Chủ tịch Ủy ban hợp tác quản lý của khẩu Việt Nam - Trung Quốc phía Việt Nam) trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc thực hiện theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc về việc thông báo cho phía Việt Nam khi Trung Quốc tạm thời đóng CK (thông báo trước 05 ngày) để phía Việt Nam chủ động có kế hoạch thông báo cho người dân, DN và lực lượng chức năng có thời gian chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, tránh gây ách tắc hàng hóa tại CK và thiệt hại kinh tế cho cả hai bên như thời gian vừa qua.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đàm phán, thúc đẩy hợp tác với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thiết lập hạ tầng, kho bãi, kho ngoại quan hai bên để hiện đại hóa CK, tạo thuận lợi thông quan, lưu trữ hàng hóa.
Với UBND các địa phương biên giới có CK, chỉ đạo Sở, ngành trực thuộc theo chức năng phối hợp kiểm soát, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, mua bán hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới; thiết lập, duy trì thường xuyên mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cặp CK đối diện, đối thoại giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh trên địa bàn, các phương án đảm bảo phòng chống dịch của phía Việt Nam.
Đồng thời chủ động đánh giá, dự báo và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn về các cơ quan chức năng biết tình hình; thông tin cho các địa phương, hiệp hội DN nắm bắt kịp thời để có kế hoạch điều tiết, đưa hàng hóa lên CK các tỉnh.
Về lâu dài, các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các CK.
Với các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm, Bộ NN&PTNT kiến nghị UBND các tình cần duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là tình hình trước Tết Nguyên đán 2022 nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, kiểm soát điều tiết được cung cầu hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu tại chỗ và XK. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong điều tiết hàng nông sản XK.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn DN, bà con nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; kiểm soát, chỉ đạo các DN trên địa bàn quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện từ vùng trồng, vùng sản xuất, cơ sở chế biến chở hàng tiêu thụ, xuất khẩu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh..