Uber: Khi nào hết “hot”?

(NTD) - Khái niệm kinh tế chia sẻ là sự kết nối mật thiết giữa cung - cầu, sự hợp tác chia sẻ về người, nguồn lực và việc tái phân phối. Trong các công ty khởi nghiệp dựa trên mô hình này, Công ty Công nghệ Uber là đại diện tiêu biểu nhất khi chỉ trong 5 năm, công ty này được định giá lên đến 41 tỷ USD.

Tuy nhiên, Uber cũng đối mặt với nhiều thông tin bất lợi đến từ hoạt động kinh doanh của mình. Theo một báo cáo gần đây của Bloomberg, trong tài liệu Uber công bố với các nhà đầu tư tiềm năng, doanh thu đạt 415 triệu USD, một con số quá nhỏ so với mức được định giá 41 tỷ USD.

Tuy nhiên, báo cáo của Bloomberg không cho biết chính xác đây là báo cáo quý hay năm. Con số lỗ 470 triệu USD trong báo cáo này cũng khiến nhiều nhà đầu tư đặt dấu hỏi về hoạt động của Uber có thực sự thành công như những số liệu được công bố chính thức. Người phát ngôn chính thức của Uber, bà Nairi Hourdajian cho biết, những con số bị rò rỉ đã cũ và không phản ánh đúng tình hình hoạt động của công ty trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bà Hourdajian không cho biết chính xác vì sao các con số này lại đang được sử dụng để giới thiệu cho vòng huy động vốn hiện tại.

Việc Uber phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chỉ còn là vấn đề thời gian khi Quỹ đầu tư Hillhouse Capital Group (Trung Quốc) đã mua hơn 1 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi với điều kiện được mua cổ phiếu Uber với giá ưu đãi. Tuy nhiên, minh bạch thông tin - một trong những tiêu chí tiên quyết để một công ty lên sàn thì dường như vẫn còn thiếu đối với Uber. Ngoài ra, tính pháp lý và sự an toàn của dịch vụ cũng là lý do khiến dịch vụ của Uber đang bị cấm tại một số thành phố lớn trên thế giới.

Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun)

 

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Vinasun cho biết:

“Giá xăng tăng hay giảm chúng tôi luôn phải điều chỉnh đúng theo quy định và cam kết với Sở Giao thông, Sở Công Thương... Lễ, Tết chúng tôi cũng phải giữ giá ổn định. Còn Uber, Tết họ tăng giá 2-4 lần và chỉ đưa ra giá rẻ ở những giờ thấp điểm. Theo tính toán, nếu Uber tuân thủ nộp thuế đầy đủ và chịu chi phí như chúng tôi, giá cước của họ sẽ cao hơn Vinasun 4-5%”.

Ông Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam

 

Trong gần một năm có mặt tại Việt Nam, Uber là “điểm nóng” gây tranh cãi trong thời gian dài đặc biệt là vấn đề pháp lý. Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, ông Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam cho biết:

“Uber là một công ty công nghệ. Ứng dụng điện thoại của chúng tôi là một nền tảng công nghệ giúp kết nối các tài xế đã được cấp giấy phép hành nghề đầy đủ với các hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ chỉ bằng một thao tác chạm.

Trên khắp thế giới, chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với chính quyền các nước để có cơ hội được trình bày về mô hình kinh doanh của chúng tôi và những lợi ích mà công nghệ có thể mang lại cho người dân, du khách và bản thân những thành phố mà chúng tôi hiện đang có mặt.

Khung pháp lý ở nhiều nước phát triển cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ. Nhưng rất may mắn là gần đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông đồng ý với báo cáo và đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, giúp tạo điều kiện cho Uber hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”.

Ông Travis Kalanick, CEO kiêm đồng sáng lập Uber nói:

 

“Chỉ trong năm 2015, Uber sẽ tạo ra hơn 1 triệu việc làm tại các thành phố mà ứng dụng này có mặt trên toàn thế giới. Hàng triệu người sẽ nhận ra rằng họ không cần phải sở hữu một chiếc xe hơi riêng vì sử dụng Uber sẽ rẻ hơn khá nhiều. Việc kiếm chỗ đậu xe từ đó cũng không còn là vấn đề tại các thành phố lớn. Với việc nhận được nguồn vốn đầu tư lớn, Uber sẽ sử dụng số tiền này mở rộng hệ thống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Nguồn: younetmedia
So sánh thị phần Grabtaxi, uber và easy taxi tại Việt Nam

 Quân Vũ