U40 tiết kiệm từng đồng, lương văn phòng dưới 10 triệu vẫn 'sống ổn', Gen Z có 'thẻ riêng', vay tiền chi tiêu không tiếc tay

Giữa những người "khác thế hệ", việc chi tiêu hàng tháng cũng có nhiều khác biệt.

Quản lý chi tiêu là vấn đề chưa bao giờ dễ dàng với nhiều người bởi có rất nhiều khoản phải chi trả, làm thế nào để không bị thâm hụt, trở thành "con nợ". Giữa những người "khác thế hệ", việc chi tiêu hàng tháng cũng có nhiều khác biệt. Trong khi những người có kinh nghiệm, vốn sống, thường là 9X, 8X sống tiết kiệm, quản lý chi tiêu chặt chẽ thì không ít bạn trẻ lại chọn cách hưởng thụ bởi quan điểm rằng cuộc đời ngắn ngủi, chỉ sống một lần.

U40 sống tiết kiệm, quản lý chi tiêu hợp lý.

Vân Anh (34 tuổi, Hà Nội) hiện đang là nhân viên văn phòng tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Sinh sống và làm việc ở thủ đô nhưng số lương của cô nàng chỉ ở mức trung bình, dưới 10 triệu đồng/tháng. Vì nhà cách công ty 30km nên Vân Anh thuê trọ. Với mức lương đó, Vân Anh phân chia ra thành các khoản cố định như: 40% tiền thuê nhà và ăn uống; 20% cho các nhu cầu thiết yếu, sở thích của bản thân như mỹ phẩm, quần áo, du lịch; 10% tiền phát sinh; 30% còn lại để tiết kiệm.

9X cho biết việc quản lý chi tiêu giúp cô có khả năng xem xét được các khoản tiền: "Mình cho rằng phân chia các khoản tiền như thế sẽ giúp bản thân biết rõ 1 tháng chi tiêu bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu, không "vung tay quá trán" vượt ngân sách cho phép. Do các khoản chi tiêu đều đã cố định nên mình chủ động được mọi thứ, không bị rơi vào tình trạng thiếu hụt cuối tháng. Mặc dù mỗi tháng tôi chỉ tiết kiệm được 30%, khoản tiền nhỏ nhưng đều đặn nên vẫn có được số dư đảm bảo. Với cách chi tiêu này, tôi đã "sống ổn" thời gian qua".

Phương Anh (28 tuổi, Hà Nội) đã lập gia đình và có một cậu con trai. Cô khẳng định luôn phải lo cơm áo gạo tiền, con cái, gia đình, bố mẹ già nên phải tiết kiệm hết sức có thể. Ngoài các khoản chi tiêu cố định như ăn uống, điện nước, Phương Anh không dám chi tiêu quá nhiều cho sở thích cá nhân hay các thú vui như cả nhà đi du lịch, đi ăn hàng.

GenZ thoải mái chi tiêu cho các sở thích cá nhân.

Trong khi đó, với thế hệ GenZ, việc chi tiêu, quản lý tài chính có phần khác biệt. Nếu như thế hệ 9X, 8X, thẻ tín dụng không quá phổ biến thì với GenZ, đây được coi như "thẻ đặc quyền" giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Thậm chí, có người còn sử dụng một lúc mấy thẻ tín dụng với các mục đích khác nhau.

Thúy Loan (23 tuổi, Hà Nội) làm công việc văn phòng. Cũng như Vân Anh, vì nhà xa công ty nên Loan vẫn phải chi trả các khoản như thuê nhà, ăn ở, điện nước... Mức lương của Loan không quá cao nhưng cách chi tiêu của cô nàng khiến nhiều người bất ngờ.

Loan sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng hàng chục triệu đồng để mua đôi giày hàng hiệu đắt đỏ đang là "hot trend". Hàng tháng, cô tốn khá nhiều tiền cho khoản mua sắm quần áo, mỹ phẩm, giày phép, trang sức, phụ kiện... bởi đều là các món đồ hiệu hoặc đang được giới trẻ săn lùng. Cô nàng cho rằng đây là điều bình thường, các bạn bè của cô cũng đều chi tiêu như vậy.

Việc GenZ sử dụng tối đa thẻ tín dụng để phục vụ cho cuộc sống cá nhân không còn là điều xa lạ. Theo truyền thông quốc tế, khảo sát cho thấy 42% Gen Z nói riêng và 47% thế hệ trẻ nói chung cho biết họ có kế hoạch mượn tiền để trang trải chi phí các chuyến du lịch hè. Đặc biệt, họ tích cực "quẹt thẻ tín dụng" cho các chuyến đi sang chảnh, nghỉ dưỡng ở các resort 5 sao... Điều này khiến không ít chuyên gia tài chính cảm thấy lo lắng, lên tiếng cảnh báo rằng mọi người không thể hoặc không nên có những chuyến du lịch, trải nghiệm. Đặc biệt, với tình trạng người trẻ coi thường việc nợ nần, đặc biệt là khi khoản nợ bắt nguồn từ nhu cầu vui chơi.

Mọi người cũng đừng quên trả nợ thẻ tín dụng sau ngày tính lãi, vì mức lãi suất của thẻ tín dụng thường rất cao, có thể dao động lên đến 20% -30%. Ngoài ra, không ít bạn trẻ cũng cần có mức chi tiêu hợp lí, tránh tiêu quá số tiền mình kiếm được vượt quá khả năng chi trả.

TIN LIÊN QUAN