Tỷ giá trung tâm: Kẻ thù của tình trạng đô la hóa

(NTD) - Cách điều chỉnh tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN.Ảnh: Phương Linh - Dân trí

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra quyết định về việc công bố tỷ giá trung tâm của tiền đồng với đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của tiền đồng với một số ngoại tệ khác. Theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN, ban hành ngày 31/12/2015 và có hiệu lực từ ngày 4/1/2016, tỷ giá trung tâm sẽ được công bố hàng ngày.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng cách thức điều hành tỷ giá mới của NHNN giúp hấp thu dần các cú sốc bên ngoài và giảm thiểu tác động đối với thị trường ngoại tệ trong nước.

Theo ông, động thái trên cũng sẽ làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ lấy VNĐ để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua và điều này đã giúp nguồn cung ngoại tệ có sự cải thiện nhất định.

Trước khi thay đổi cách thức điều hành tỷ giá, nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế đã dự báo tỷ giá năm 2016 sẽ tăng 5-7%. Tuy nhiên, hiện nay các dự báo về tỷ giá đã có nhiều thay đổi. Ngân hàng HSBC Việt Nam dự báo tỷ giá tăng khoảng 3-4%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng khoảng 1-2%, còn một số chuyên gia kinh tế dự báo tăng khoảng 3% trong năm nay.

Lãi suất huy động USD về mức 0%/năm từ ngày 18/2/2015 đã giúp giao dịch USD bớt căng thẳng.

Ông Dũng nhận định, theo cách thức điều hành mới, tỷ giá linh hoạt hơn và sẽ giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài, hỗ trợ tốt hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cùng với các biện pháp điều tiết của NHNN, tỷ giá 2016 sẽ không biến động quá lớn để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cách điều hành tỷ giá mới cũng sẽ tác động đến lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, tỷ giá liên tục đi xuống. Ngày 2/3, tỷ giá bán tại Vietcombank ở mức 22.340 VNĐ/USD, giảm 227 đồng/USD so với đầu năm 2016.

Vân Lam