Với mục tiêu tạo thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh (TS) trong bối cảnh việc học tập khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2019 và quy định rõ quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Các trường tự chọn phương thức tuyển sinh
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, để phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, năm nay ngoài việc đánh giá mức độ đạt chuẩn của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có tính phân hóa, các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trước khẳng định này của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH đã tiến hành điều chỉnh các phương án tuyển sinh chính thức năm 2020. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, điểm mới trong đề án tuyển sinh năm nay là ngành Dược học xét thêm tổ hợp A00 (Toán, Lý và Hóa) bên cạnh tổ hợp truyền thống B00 (Toán, Hóa và Sinh). Cả hai tổ hợp được xét tuyển chung với nhau, không quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp. Tổ hợp xét tuyển vào các ngành còn lại vẫn là B00 (Toán, Hóa và Sinh).
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, năm nay có thêm ngành Răng-Hàm-Mặt và Điều dưỡng sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp (có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM: “Năm 2020, trường tuyển sinh theo 2 phương thức xét tuyển độc lập nhau. Thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức khi xét tuyển. Thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển bởi các phương thức tuyển sinh khác. Cụ thể, phương thức 1 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đối với tất cả các ngành đào tạo). Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của tổ hợp xét tuyển B00 hoặc A00 cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Phương thức 2, là xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đối với ngành Y khoa, Răng-Hàm-Mặt, Dược học và Điều dưỡng (25% chỉ tiêu của từng ngành)).
“Đối tượng tuyển sinh của phương thức 2 là các TS có tổng điểm thi của 3 bài thi/môn thi theo tổ hợp xét tuyển và các điểm ưu tiên (nếu có) phải bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ xác định, điểm xét trúng tuyển do Hội đồng tuyển sinh trường quy định. Đồng thời có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên”, ông Khôi thông tin.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong mùa tuyển sinh năm nay là nhiều trường tổ chức xét tuyển ngành kiến trúc nhưng lại không thi… vẽ.
Chẳng hạn, trong đề án tuyển sinh vừa công bố của Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) mới công bố, lần đầu tiên trường này tuyển sinh ngành Kiến trúc không tổ chức thi vẽ. Theo đó trường sẽ thực hiện xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ngành Kiến trúc bằng 2 tổ hợp: A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và C01 (Toán, Văn, Lý).
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) cũng tuyển sinh ngành Kiến trúc bằng các tổ hợp mà không có môn vẽ, như: Toán- Lý- Hóa; Toán - Văn - Anh.
Về điểm mới này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), lý giải, ngay từ khi xây dựng ngành Kiến trúc ở Trường Đại học Bách Khoa, phần thi năng khiếu đã được xác định là năng khiếu Vẽ đầu tượng. Nằm trong lộ trình cải tiến tuyển sinh ngành Kiến trúc, phần thi vẽ đã được giảm tỉ lệ (trong bài thi năng khiếu Vẽ) và chuyển dần sang đánh giá năng lực về góc nhìn Kiến trúc (phần thi Bố cục tạo hình). Do đó, kể từ năm 2020, trường không tổ chức thi năng khiếu vẽ.
“Việc này nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh chưa có cơ hội học vẽ ở bậc phổ thông nhưng có đam mê ngành Kiến trúc. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ dần diễn ra công bằng hơn cho bất kỳ ai có đam mê”, ông Thắng nói thêm.
Băn khoăn chất lượng đầu vào
Có thể nói, việc Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ĐH-CĐ là bước đầu tiên giúp các trường nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho TS, nâng cao chất lượng “đầu vào” trong công tác tuyển sinh… Từ đó tạo niềm tin, giảm áp lực, tăng cơ hội cho các TS. Tuy nhiên, việc các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đưa ra các tổ hợp xét tuyển cũng gây ra không ít băn khoăn, điển hình là với trường hợp tuyển sinh ngành kiến trúc lại bỏ môn vẽ.
Về vấn đề này, một giảng viên của Trường ĐH Văn Lang, cho hay, các ngành thuộc khối thiết kế và mỹ thuật được xem là những ngành đặc thù và cần có năng khiếu nên không phải ai muốn học cũng được. “Nếu các trường vì “ham” tuyển sinh mà bỏ môn vẽ khi xét tuyển ngành kiến trúc hay thiết kế mỹ thuật, khi đào tạo sẽ rất vất vả, hoặc TS không có năng khiếu mà học cũng sẽ rất vất vả để theo đuổi, thậm chí bỏ ngang giữa chừng là khó tránh khỏi. Tôi cho rằng việc này là không ổn”, giảng viên này nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, anh Phan Duy Thành, chủ một DN bất động sản tại Q.Gò Vấp, cũng cho hay: “Chẳng nói riêng gì ngành kiến trúc, ngay ngành xây dựng thôi cũng cần phải có một chút năng khiếu thẩm mỹ thì mới làm việc và đeo bám nghề được. Tôi không tưởng tượng được nếu học ngành kiến trúc mà không biết vẽ thì sẽ học kiểu gì?”.
Thực tế nhiều năm qua, khi các trường đại học đã tự chủ thì xuất hiện kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực để tuyển sinh càng nhiều càng tốt. Vì thế, mới có chuyện các trường đại học địa phương, trường tư thục xét tuyển những tổ hợp “tréo ngoe” cho các ngành (trừ ngành sức khỏe) như: Văn - Sử - Địa; Văn - Sử - Giáo dục Công dân; Địa - Sử - Giáo dục Công dân… khiến dư luận dậy sóng.
Việc xét tuyển như vậy chắc chắn sẽ thả nổi chất lượng đầu vào khiến việc đào tạo gặp nhiều trở ngại và hệ quả là cử nhân tốt nghiệp thất nghiệp hàng loạt do thiếu… “chất”.
Trước băn khoăn về chất lượng “đầu vào” đại học, cao đẳng có thể bị ảnh hưởng khi các trường tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển dựa theo học bạ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ sẽ đối chiếu kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trong học bạ của học sinh để đánh giá tính nghiêm túc, trung thực trong công tác tổ chức thi của địa phương. Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp THPT; điều động cán bộ, giảng viên đại học tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi, Bộ cũng tăng cường hậu kiểm, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng một cách nghiêm túc, thực chất.
“Với Quy chế tuyển sinh mới, các trường được trao quyền tự chủ, nhưng trách nhiệm giải trình cao và phải thực hiện nghiêm túc các nội dung của đề án tuyển sinh mà trường công bố. Việc hậu kiểm sẽ được Bộ triển khai chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, khẳng định.
Bá Lâm