Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380 nghìn ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là sử dụng thuốc lá, thực phẩm nhiều chất béo có hại, lạm dụng rượu bia… và thiếu hoạt động thể chất. Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm.
Đó là những gì được Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Đinh Thị Thu Thủy nhấn mạnh tại Hội thảo Cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất các biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức ngày 5/7.
Không khó để nhận ra, lạm dụng rượu bia, thuốc lá được chỉ điểm như các tác nhân nguy hiểm làm suy giảm tuổi thọ của người dân Việt Nam. Những con số hàng năm được đưa ra đã thúc đẩy nước ta phải ban hành nhiều luật cấm quan trọng, là cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe và tới đây, Bộ Y tế có thể sẽ trình Quốc hội cấm thuốc lá thế hệ mới. Cụ thể, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự.
Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất. Dự kiến, nội dung cấm thuốc lá điện tử sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024. Nhưng xét kỹ các góc độ, liệu việc Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá nung nóng khi chưa có nghiên cứu dài hạn để xác định đầy đủ tác dụng/tác hại có được nhiều sự đồng thuận như quyết định cấm nồng độ cồn?
Từ việc Quốc hội chốt cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe
Trước khi lệnh cấm tuyệt đối nồng độ cồn được thông qua với sứ mệnh đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, đã có rất nhiều câu hỏi được đưa ra tranh luận, mổ xẻ về "tác dụng phụ" của nó.
Nhiều người cho rằng, các ngành nghề vốn dĩ tồn tại cộng sinh với nhau, đặc biệt là có rất nhiều ngành nghề vệ tinh xung quanh ngành có truyền thống lâu đời như dịch vụ ăn uống. Vì thế, việc cấm bia rượu có thể khiến tình hình kinh doanh của hàng, quán ăn, quán nhậu - nơi được xem như khâu tiêu thụ sản phẩm cuối của nông dân nội địa thất thu, đi xuống.
Ở góc nhìn vĩ mô, lệnh cấm có thể tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động. Thậm chí, cụm từ “cấm tuyệt đối” còn có thể tạo ra hàng loạt nỗi e ngại khác, khi mà một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa, ăn tôm, mực hấp bia, cũng có thể bị chiếc máy đo nồng độ cồn gán mác "vi phạm luật".
Dù vậy, với quan điểm cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, quyết định đưa ra trong bối cảnh lợi ích cộng đồng cao hơn rất nhiều so với những bất tiện hay thiệt hại khác về kinh tế nên sự đồng thuận trong xã hội đạt mức cao. Người tiêu dùng sẽ phải điều chỉnh lại thói quen của mình để tuân thủ quy định mới, bao gồm việc hạn chế uống rượu bia khi biết mình sẽ phải lái xe, hoặc sắp xếp các phương tiện vận chuyển an toàn sau khi uống. Sự bất tiện trong giai đoạn đầu triển khai quyết định có thể xảy ra nhưng về lâu dài, quyết định sẽ giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Đến tranh cãi về đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới
Cũng giống như rượu bia, nên cấm hay nên quản thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử tiếp tục trở thành câu chuyện được bàn luận khi Bộ Y tế có thể sẽ trình Quốc hội cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự ngay trong tháng 10 này.
Tại Việt Nam, thuốc lá là một sản phẩm quen thuộc trong đời sống và hoàn toàn không bị pháp luật cấm sử dụng. Vì thế, nếu Quốc hội chốt thông qua đề xuất của Bộ Y tế, người tiêu dùng sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm họ đã và đang sử dụng quen. Đặc biệt, càng khó khăn hơn với những người đã chuyển đổi thói quen, chuyển qua sử dụng thuốc lá nung nóng để giảm bớt tác hại từ thói quen sử dụng thuốc lá truyền thống.
Đứng ở góc độ của Bộ Y tế, thuốc lá có hại cho sức khoẻ, dù là thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng. Nhiều người khi nghe thông tin, sẵn sàng giơ tay đồng tình với Bộ Y tế chỉ vì cụm từ “thuốc lá nào cũng có hại” mà thậm chí không hiểu sự khác nhau giữa các loại sản phẩm thuốc lá.
Thực tế, không ít người quan niệm khác hoàn toàn, cần phận định được nên cấm hay nên quản. Họ cho rằng thuốc lá thế hệ mới với năng lực R&D có yếu tố hỗ trợ của công nghệ cao sẽ giúp sản phẩm bớt gây hại hơn thuốc lá truyền thống. Nếu quản, hoạt động chợ đen với hàng loạt hành vi tiêu cực như sản xuất hàng giả, hàng nhái, pha trộn tạp chất không được phép vào thuốc lá điện tử sẽ không còn cửa diễn. Nếu quản, Nhà nước có cơ hội đưa hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các tất cả các loại thuốc lá thế hệ mới vào tầm kiểm soát và đẩy lùi việc nhập lậu, bán hàng phi pháp. Nhưng nếu cấm, người tiêu dùng sẽ mất đi cơ hội được sử dụng những sản phẩm bớt gây hại.
Đã có 5 luận điểm chính được đưa ra để những người nắm quyền quyết định nên cân nhắc, theo khảo sát từ nhiều người dùng, bao gồm:
Đầu tiên và quan trọng nhất: Việc cấm thuốc lá nung nóng có thể khiến người tiêu dùng quay lại sử dụng thuốc lá truyền thống trong khi sản phẩm này nhiều năm qua đã được thế giới chứng minh là gây hại cho sức khỏe. Việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm ít gây hại sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thứ hai, không phải loại thuốc lá nào cũng giống nhau, thuốc lá nung nóng khác thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được nhiều quốc gia cho là ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống vì không tạo ra các chất gây ung thư từ quá trình đốt cháy. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tim mạch cho người sử dụng. Thời gian qua, thuốc lá thế hệ mới chưa có khung pháp lý rõ ràng gây ra hàng loạt hệ lụy đặc biệt là hành vi của thị trường chợ đen đã “bơm” chất cấm vào thuốc lá điện tử hệ thống mở. Thuốc lá nung nóng bị vạ lây dù cách thức hoạt động hoàn toàn khác nhau và người bán không thể “chế” được gì ngoài sản phẩm được các thương hiệu hàng đầu thế giới R&D bằng những công nghệ tiên tiến nhất.
Thứ ba, việc cấm thuốc lá nung nóng có thể đẩy người tiêu dùng vào trạng thái mất đi quyền lựa chọn tiêu dùng. Họ phải mua sản phẩm từ thị trường chợ đen, không đảm bảo chất lượng hoặc quay về với sản phẩm thuốc lá truyền thống mà họ cho là gây hại cho sức khỏe hơn. Chưa kể, Nhà nước mất đi cơ hội thí điểm để mở ra cơ sở dữ liệu nghiên cứu tác động đầy đủ hơn về tác động của thuốc lá nung nóng đến sức khỏe người dùng và từ đó cho phép lưu hành những sản phẩm thuốc lá có khả năng thay thế thuốc lá truyền thống.
Thứ tư, thay vì cấm hoàn toàn, việc đánh thuế cao và quản lý chặt chẽ thuốc lá nung nóng có thể giúp tăng thu ngân sách và hạn chế tình trạng buôn lậu. Chính sách thuế và kiểm soát nghiêm ngặt sẽ giúp quản lý tốt hơn thị trường, đảm bảo lợi ích cho cả nhà nước và người tiêu dùng. Nếu cấm sẽ đặt lên vai cơ quan quản lý thị trường việc phải quản thị trường chợ đen, quản việc nhập lậu thuốc, quản việc kinh doanh. Điều này gần như bất khả thi khi mà thuốc lá thế hệ mới bị cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhưng không thuộc hàng hóa cấm tiêu dùng!
Cuối cùng, việc ảnh hưởng đến quá trình hội nhập, toàn cầu hoá cũng có thể là một hệ luỵ. Thuốc lá nung nóng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người ở các quốc gia khác. Việt Nam đang xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn, thân thiện, việc cấm sản phẩm này có thể gây bất tiện cho du khách quốc tế và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, gây hiểu lầm đây là một quốc gia với những luật lệ "cứng nhắc".
Tựu trung lại, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới trong đó có thuốc lá nung nóng cũng nhằm mục tiêu đó. Tuy nhiên, nếu đưa ra quyết định khi chưa nhìn nhận thấu đáo, không những có thể không đạt sự đồng thuận của toàn xã hội mà còn gây ra nhiều tác động không đáng có khác cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho đến từng cá nhân.
Dân số Việt Nam đã tăng vượt mốc 100 triệu dân, điều này có nghĩa cuộc sống của càng nhiều người sẽ thay đổi sau mỗi bước đi của cơ quan chính quyền. Do vậy, để đi đến đích cuối là bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng lòng, thận trọng, kỹ lưỡng trước từng phán quyết.