Mới đây, Bộ Chính trị đã yêu cầu nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp. Để đảm bảo số lượng giáo viên theo đúng định mức, Bộ cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế và chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương nhằm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và chính sách trong việc phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài trong ngành Giáo dục. Một trong những chủ trương quan trọng là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc và vùng công tác.
Ngành Sư phạm là lĩnh vực giáo dục, chuyên giảng dạy tại các trường học hoặc cơ sở đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho mọi ngành nghề trong xã hội. Ngành Sư phạm được phân chia theo các cấp bậc như mầm non, tiểu học, trung học và đại học.
Trước thông tin này, các trường thuộc ngành Sư phạm đang thu hút sự quan tâm hơn bao giờ hết. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nổi bật hơn cả. Là một trong những trường đại học công lập hàng đầu tại Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội (Hanoi National University of Education – viết tắt là HNUE) là trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học chất lượng cao.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập vào năm 1951. Sau 73 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Trường được xếp hạng là trường trọng điểm trong hệ thống giáo dục Việt Nam, là cái nôi đào tạo và cung cấp giáo viên có trình độ chuẩn cho các bậc học cơ bản trên toàn quốc.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở vật chất với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, thư viện, phòng nghiên cứu, nhà thi đấu, sân vận động... Bên cạnh đó, nhà trường luôn cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đảm bảo chất lượng giảng dạy. Hiện tại, trường có 40 chuyên ngành đào tạo trong các lĩnh vực như Sư phạm, Giáo dục, Công nghệ thông tin, Tâm lý học và Công tác xã hội.
Năm 2024, Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ 22 đến 29,3. Đây là tổng điểm thi ba môn, đã gồm điểm ưu tiên (nếu có).
Hai ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy cao nhất. So với năm ngoái, điểm chuẩn ở hai ngành tăng khoảng 0,88-2,9, tùy tổ hợp. Cụ thể, ở ngành Sư phạm Lịch sử, nếu muốn trúng tuyển vào ngành này thí sinh phải đạt tối thiểu 9,76 điểm/môn.
Con số 29,3 này cao vượt điểm chuẩn ngành Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội (28,53 điểm). Năm ngoái, đây là ngành vốn có điểm chuẩn kỷ lục từng khiến thủ khoa khối A00 toàn quốc cũng trượt NV1.
Trước đó, chia sẻ với VnExpress, TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã nhận định điểm chuẩn năm nay của trường sẽ tăng. Lý do là số nguyện vọng đăng ký vào trường khoảng 40.000 trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.000.
Là cơ sở đào tạo lĩnh vực giáo dục, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chất lượng cao với các chuyên gia đầu ngành. Cụ thể, trường có 1 GS.TSKH, 9 GS.TS, 126 PGS.TS, 300 TS, 380 ThS.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đứng trong Top 10 bảng xếp hạng QS châu Á 2021 và Top 12 bảng xếp hạng URAP 2020 các trường đại học tại Việt Nam. Sau 73 năm xây dựng và phát triển, trường đã nhiều lần vinh dự nhận danh hiệu và phần thưởng cao quý từ Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhất lần đầu vào năm 1981; Huân chương Độc lập hạng Nhất lần đầu vào năm 1996 và lần thứ hai vào năm 2016; Huân chương Hồ Chí Minh lần đầu vào năm 2001 và lần thứ hai vào năm 2011; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2004. Năm 2021, trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.