Trước thềm cổ phần hóa, Vinachem công bố lỗ cực lớn

(NTD) - Chậm nhất đến hết năm 2020, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải được cổ phần hóa nhưng mới đây Vinachem tiếp tục báo lỗ trong 6 tháng đầu năm, đưa mức lỗ lũy kế riêng lên 990 tỷ đồng và lỗ lũy kế hợp nhất là 2.271 tỷ đồng.

Đến hết quý 2/2019, Đạm Hà Bắc lỗ lũy kế 109 tỷ đồng.

 4 dự án kém hiệu quả của ngành công thương

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Bên cạnh Vinacomin, Agribank, Mobifone, Vicem, Satra, Saigontourist, VNPT… danh mục trên còn có Vinachem - một tập đoàn thua lỗ triền miên.

Hiện nay, Vinachem có 4/12 đại dự án kém hiệu quả của ngành công thương. Đó là các dự án nhà máy sản xuất phân đạm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem. Trong đó, Đạm Ninh Bình là dự án yếu kém nhất. Lãnh đạo Vinachem cho rằng: “Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ kéo sập Đạm Ninh Bình mà kéo sập cả tập đoàn”.

Theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ 2019, Vinachem đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 446 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính 285 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 442 tỷ đồng nên tập đoàn ghi nhận khoản lỗ sau thuế 279 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận sau thuế của 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.

Ngoài vốn điều lệ 11.885 tỷ đồng được Nhà nước cấp, nguồn vốn của tập đoàn dựa vào vốn vay với trị giá 5.643 tỷ đồng. Phần lớn nguồn lực của tập đoàn được phân bổ vào các khoản phải thu có khả năng mất vốn cao.

Mặc dù chi đến hàng ngàn tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết nhưng kết quả mang lại không tương xứng, thậm chí còn thua lỗ nặng. Đến nay, tập đoàn đã đầu tư 12.834 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết.

Các khoản đầu tư lớn là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (2.658 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (2.314 tỷ đồng), Công ty TNHHH MTV Apatit Việt Nam (1.725 tỷ đồng), CTCP DAP - Vinachem (935 tỷ đồng), CTCP DAP số 2 - Vinachem (803 tỷ đồng)… Nhưng đây chính là những đơn vị khiến tập đoàn có khả năng mất sạch vốn.

Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm của Đạm Ninh Bình đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán công trình hoàn thành, tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu. Ngoài Đạm Ninh Bình (2.314 tỷ đồng) thì khoản đầu tư 803 tỷ đồng vào CTCP DAP số 2 - Vinachem cũng được coi như mất sạch vốn khi tập đoàn trích lập dự phòng 100%.

Ngoài khoản mất sạch vốn chủ sở hữu tại Đạm Ninh Bình, tập đoàn còn có khả năng tổn thất lớn tại đây khi đang cho đơn vị này vay 9.224 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 1.148 tỷ đồng.

Mặc dù mới trích lập dự phòng 2.331 tỷ đồng/2.658 tỷ đồng cho khoản đầu tư tại CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) nhưng đến cuối quý 2/2019, công ty này đã âm vốn chủ sở hữu 109 tỷ đồng. Khoản vay 7.441 tỷ đồng khiến Đạm Hà Bắc “ngộp thở” và các chủ nợ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam… đứng ngồi không yên.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2019, doanh thu hợp nhất đạt 21.336 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt gần29 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 2/2019, tập đoàn và các công ty thành viên vay 26.749 tỷ đồng, lỗ lũy kế hợp nhất lên tới 2.721 tỷ đồng.

Vinachem đang cho Đạm Ninh Bình vay 9.224 tỷ đồng, đến nay phải trích lập dự phòng 1.148 tỷ đồng

Hàng loạt kết luận ngoại trừ

Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính giữa niên độ 2019 là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đưa ra hàng loạt kết luận ngoại trừ.

Cơ sở đưa ra kết luận ngoại trừ, AASC cho rằng, tại thời điểm 30/6, một số dự án của tập đoàn như: Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan (Lào) đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với các bên liên quan; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán công trình hoàn thành và không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay và lãi vay.

Một số khoản vay từ ngân hàng của tập đoàn đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 669 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 336 tỷ đồng. Đây là các khoản vay mà tập đoàn cho Đạm Ninh Bình vay lại nhưng công ty không thực hiện được trả nợ vay cho tập đoàn.

Theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ 2019, tập đoàn còn có hàng loạt khoản nợ tiềm tàng. Tháng 2/2019, TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản của tập đoàn gồm: 12.171.542 cổ phiếu của tập đoàn tại CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) và tài khoản USD tại BIDV Ba Đình với số dư hơn 13 triệu USD.

Tháng 4/2019, TAND TP.HCM tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện phong tỏa tài khoản và tài sản của tập đoàn gồm: 24 triệu cổ phiếu tại CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), 10 triệu cổ phiếu tại CTCP Bột giặt Lix (LIX) và 7,5 triệu cổ phiếu tại CTCP Hóa chất Việt Trì (HVT).

Ngoài ra, tập đoàn còn bị hàng loạt đơn vị kiện tụng để giải quyết các tranh chấp trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, CTCP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất khởi kiện tập đoàn tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam 12.485.511 USD. Trong khi đó Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - chi nhánh TP.HCM thông báo Công ty TNHH Đại chúng TTCL yêu cầu tập đoàn thực hiện giá trị tranh chấp hợp đồng 110.473.190 USD (tương đương 2.557 tỷ đồng) còn Công ty TNHH TTCL Việt Nam là 18.320.253 USD (tương đương 424 tỷ đồng).

 TRÍ NGUYỄN

 
Nên đọc