Trung Quốc vượt kỳ vọng kinh tế tăng 6,9% ở quý I/2017

(NTD) - Nền kinh tế Trung Quốc tăng 6,9% trong quý đầu tiên của 2017, theo các số liệu chính thức. Mức độ tăng tưởng, so sánh với tốc độ của ba tháng cùng kỳ năm ngoái, đã cao hơn dự tính của các chuyên gia kinh tế.

Đài BBC News đưa tin ngày 18/4 (giờ VN), việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công và nhu cầu bất động sản giúp tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tháng trước, Trung Quốc cắt giảm mục tiêu tăng tưởng từ 6,7% năm 2016 xuống 6,5% năm 2017.

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc viết trong một thông cáo: "Nền kinh tế quốc doanh đã giữ vững được đà và phát triển mạnh từ nửa năm năm ngoái, và có khởi đầu tốt vào 2017, tạo một nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu phát triển cả năm". Một số liệu khác cũng cho thấy lượng tiêu thụ nội địa gia tăng. Số lượng bán lẻ vào tháng hai nhảy vọt 10,9% so với năm 2016.

Phân tích của phóng viên Kinh tế Châu Á Karishma Vaswani:

“Mặc dù chúng ta luôn phải cẩn thận với những con số GDP (Tổng thu nhập quốc nội) Trung Quốc đưa ra, những con số này cho thấy mức tăng trưởng đang ổn định dần. Nhưng nó cũng cho thấy Bắc Kinh đang phụ thuộc vào những thủ thuật cũ để thúc đẩy kinh tế.

Việc chính quyền đầu tư vào cơ sở sở hạ tầng, một thị trường bất động sản nảy nở và vay vốn, là những thứ các lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng né tránh trong quá trình chuyển sang một nền kinh tế mới, hiện đại và mở cửa.

 
 
Mục tiêu của Bắc Kinh là cân bằng lại nền kinh tế theo hướng gia tăng tiêu thụ nội địa (Ảnh: Reuters)

Cả ba yếu tố trên đều thể hiện rõ trong số liệu, chứng tỏ mô hình "cũ" của tăng trưởng - tức dựa vào nhà nước, vẫn còn trường tồn. Đặc biệt, việc vay vốn là một mối lo. Tổng số nợ công và tư bây giờ đã hơn 250% của GDP, và có vẻ sẽ tiếp tục tăng. Các nhà phân tích bất đồng về việc liệu Trung Quốc có khả năng đối phó với khoản nợ này.

Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có chấp nhận một mức tăng trưởng kém sắc khi Đại hội Đảng quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình sắp diễn ra”.

Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và luôn được theo dõi sát bởi các nhà đầu tư trên thế giới. Mức tăng trưởng trong năm 2016 của Trung Quốc là thấp nhất trong 26 năm qua.

Mục tiêu của Bắc Kinh là tái cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa đã gặp phải nhiều phản đối lớn từ các công ty sản xuất lớn, và dẫn đến cắt giảm nhân công - đặc biệt là các nhóm ngành nhà nước nhiều nhân công như ngành công nghiệp thép.

Chắc chắn đó là một tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Trung Quốc suốt ba quý còn lại của năm 2017.

                                                                                                               Tường Quyên (Theo BBC News, 4/2017)

Nên đọc