Về phía Trung Quốc, đồng thời đó có thể là tin tức không mấy tốt đẹp trong bối cảnh chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung đang vào cao trào với các vụ tăng mức thuế và lượng hàng hóa của nhau mà hai bên trả đũa bằng cách “ăn miếng trả miếng”.
Ngày 28/8, ông John Woods - Công ty tài chính Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã nhận định với phóng viên kênh CNBC (Mỹ) rằng, việc đạt được thỏa thuận mậu dịch với Mexico là tin tích cực cho đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo ông Trump, thỏa thuận mậu dịch Mỹ - Mexico đem lại nhiều lợi ích cho nông dân cùng những nhà sản xuất của cả Mexico lẫn Mỹ. Tổng thống Trump còn khẳng định rằng những quan chức cấp cao Mexico cam kết chính phủ sẽ mua thật nhiều nông phẩm của Mỹ
Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại với Mexico (Ảnh: AFP) |
Ông John Woods nhận xét điều này khiến chính quyền Tổng thống Trump dường như không mấy sốt sắng trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, thậm chí có thể trì hoãn đến thời điểm sau khi bầu cử giữa nhiệm kỳ tổ chức vào tháng 11.
Từ cơ sở này, ông Woods cho biết hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ - Trung có thể thấy ngoài nhu cầu muốn giảm chênh lệch trong cán cân thương mại, Mỹ còn kỳ vọng Trung Quốc cải cách cơ cấu kinh tế. Do vậy, ông Woods cho rằng sẽ khó có giải pháp nhanh chóng.
Một số phân tích gia đánh giá không có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn theo đuổi đàm phán về mậu dịch với Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh đề xuất những thay đổi trong các vấn đề như bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ (từ lâu nay, ông Trump rất khó chịu về tình trạng nhiều doanh nhân, công ty Trung Quốc xâm chiếm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực băng đĩa, công nghệ thông tin...). Và việc Mỹ - Mexico đã đạt được thỏa thuận mậu dịch còn “gia cố quan điểm cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc”.
Sau mức thuế quan mới đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD, hàng Mỹ vào Trung Quốc cũng sẽ gặp khó với sự đáp trả của chính phủ Bắc Kinh (Ảnh: Reuters) |
Theo AFP, Mỹ có thể áp đặt mức thuế bổ sung vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 9/2018, và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp đáp trả khiến tình hình sẽ chuyển biến không tốt.
Ông Juan Carlos Hartasanchez - lãnh đạo công ty Albright Stonebridge về chiến lược kinh doanh có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng thỏa thuận mậu dịch với Mexico cho thấy Mỹ “sẵn sàng nhượng bộ” nếu các điều khoản là phù hợp. Ông cũng cho rằng những nước muốn đàm phán với Mỹ có thể học hỏi Mexico về “những giải pháp dường như có lợi cho cả hai phía” – điều này ám chỉ Canada và nhóm nước trong Hiệp ước mậu dịch NAFTA.
Như thế, sau EU, Mexico đã đồng thuận đứng cùng chiến tuyến với Mỹ sau khi bùng nổ chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung. Theo các phân tích gia, nếu sau này Canada và NAFTA sẽ đứng về phía Mỹ, để giải cái thế đơn độc, Trung Quốc sẽ chịu “lùi một bước”, ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ trong tư thế không vượt trội.
Kim Thoa
(Theo AFP)