Chủ tịch Alibaba Jack Ma cam kết tạo ra 1 triệu việc làm với Tổng thống Donald Trump vừa đắc cử vào tháng 1/2017. (Ảnh: Reuters) |
Chủ tịch Jack Ma của Alibaba Group Holding có vẻ như là người đầu tiên khởi sự cho cuộc quy tụ này khi thoái lui cam kết tạo 1 triệu việc làm ở Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tân Hoa Xã. Phát biểu Jack Ma được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump công bố đợt thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hôm đầu tuần.
Ma sẽ từ bỏ tham vọng vì lòng yêu nước?
Ma đã “thổ lộ” những tham vọng của mình trên thị trường Hoa Kỳ với ông Trump tại New York vào tháng 1/2017 khi nhà tỷ phú bất động sản trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng trong cuộc phỏng vấn vào thứ tư 19/9, nhà tài phiệt Trung Quốc nói lời hứa của mình chỉ được thực hiện trên mối quan hệ hữu hảo giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Thỏa thuận trước đây đã không tiên lượng hết mọi việc”, Ma phát biểu và nói thêm rằng với tình cảnh hiện tại ông ta không có cách nào thực hiện kế hoạch của mình.
Việc Ma trả lời hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc đã tạo nên đồn đoán rằng Bắc Kinh đang đứng sau “giật dây” và việc này để tạo sức ép với cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ vào tháng 11/2018 sắp tới.
Trong cuộc hội thảo hôm thứ tư tại Hàng Châu – quê nhà của Ma, tỷ phú này đã bi quan bình luận về cuộc chiến thương mại giữa hai nước. “Cuộc chiến sẽ không chấm dứt trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Mọi người phải chuẩn bị tâm lý cho cuộc chiến lâu dài có thể kéo dài 20 năm”, ông nói.
Tham dự sự kiện trên có chủ tịch tỉnh Triết Giang cùng các quan chức địa phương và trung ương – chứng tỏ sức ảnh hưởng của Ma tại Trung Quốc. Nhà tài phiệt này cũng nói về tầm quan trọng của việc không phụ thuộc vào công nghệ của Hoa Kỳ - một đáp trả cho việc Hoa Kỳ cấm bán thiết bị đối với hãng ZTE vào đầu năm nay. Hiện hãng chế tạo thiết bị công nghệ thông tin Trung Quốc đang tạm dừng sản xuất smartphone và các thiết bị khác cho đến khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận.
“Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát công nghệ bán dẫn. Chúng ta sẽ làm gì nếu họ dừng bán nguyên liệu hay thiết bị cho chúng ta?”, Tại diễn đàn này, Alibaba cũng công bố sẽ lập công ty con có tên Pingtouge chuyên chế tạo các con chip công nghệ cao ngay tại Trung Quốc.
Kho khí hóa lỏng của công ty quốc doanh PetroChina tại Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Quy tập “viện binh”…
Tsinghua Unigroup, một công ty chất bán dẫn quốc doanh, dự định chi 100 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để tự sản xuất con chip riêng, Chủ tịch Zhao Weiguo quyết định tự đầu tư sau khi thất bại trong việc mua lại công nghệ từ nước ngoài, trong đó có công ty Micron Technology của Hoa Kỳ.
Khuynh hướng không phụ thuộc vào Hoa Kỳ không chỉ trong ngành công nghệ thông tin. Hãng dầu khí PetroChina của chính phủ đã ký hợp đồng với QatarGas, công ty nhà nước của quốc gia vùng Vịnh, để có thể nhập 3,4 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm và trong vòng 22 năm. Thỏa thuận được công bố hôm 10/9 là quan trọng với Trung Quốc “bởi khí đốt là yếu tố quyết định của giai đoạn thân thiện hơi ngắn ngủi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, giám đốc một hãng năng lượng quốc tế phát biểu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã ký các hợp đồng trị giá 250 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận Trung Quốc sẽ mua sản phẩm của Hoa Kỳ và các hợp đồng khai thác khí đốt trị giá hơn 20% tổng giá trị ký kết.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã thêm khí đốt vào danh sách trả đũa đợt thuế của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9 sắp tới. Trung Quốc mua gần 2 triệu tấn LNG trong năm ngoái và hợp đồng với Qatar dự định sẽ đắp vào thiếu hụt do khoản thuế 10% của Hoa Kỳ gây ra.
Nhưng dù sao Trung Quốc vẫn có ít “không gian” để phòng ngự hay chống đỡ đối với các đợt thuế của Hoa Kỳ. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ mỗi năm, trong khi Hoa Kỳ lại nhập từ đối thủ của mình 500 tỷ USD.
Bắc Kinh đã đánh thuế lên khoảng 70% danh sách hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ. Giờ đây, họ còn sử dụng thêm “viện binh” – các công ty Trung Quốc đang làm ăn lớn tại Hoa Kỳ hay với Hoa Kỳ - để đáp trả các đòn thuế của ông Trump.
Ricky Hồ
Tổng hợp từ Nikkei Asian Review và Reuters