Đài BBC News đưa tin ngày 13/7, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có căn cứ quân sự nằm xa nước họ. Trung Quốc nói căn cứ này sẽ giúp bảo vệ các hoạt động viện trợ nhân đạo cho châu Phi và hỗ trợ công tác gìn giữ hòa bình ở châu Phi và Tây Á. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoại dù về mặt đối ngoại, Bắc Kinh chỉ nói đây là "cơ sở hậu cần".
Hải quân Trung Quốc rời Trạm Giang ở Quảng Đông đưa quân sang Djibouti - nơi Trung Quốc sẽ duy trì một căn cứ hậu cần quân sự (Ảnh: China News) |
Trong khi đó, tờ báo của Quân Giải phóng cho độc giả trong nước nói đây là "bước chuyển biến lớn". Những năm qua, Hải quân Trung Quốc đã có các chuyến tuần tra vùng biển gần Somalia để chống hải tặc. Sách báo Trung Quốc gần đây cũng khôi phục hình ảnh nhà đi biển Trịnh Hòa từ thời Minh, người được cho là đã dẫn các đoàn thuyền đến tận vùng biển Tây Phi.
Nhưng Trung Quốc không phải là nước đầu tiên có mặt tại vùng Sừng Châu Phi về quân sự. Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản và Ý đều có cơ sở quân sự trong vùng này. Djibouti, quốc gia nhỏ bé chưa đầy 1 triệu dân ở khu vực đầy bất ổn, có vị trí địa lý chiến lược, theo báo Ấn Độ India Express.
Tàu 999 của Hải quân Quân Giải phóng (PLAN) đưa các đơn vị đầu tiên sang Djibouti (Ảnh: Xinhua) |
Bình luận của báo này nói dù không có tài nguyên thiên nhiên, lại ở vùng nóng nực, Djibouti chỉ cách các điểm nóng chính trị và an ninh như Somalia vài chục dặm. Chặn lối vào Hồng Hải và Kênh đào Suez, vùng biển Djibouti cũng nhìn sang Ấn Độ Dương.Từ đó đi lên phía Bắc không xa là Vịnh Oman và Eo biển Hormuz dẫn vào Iran.
Như vậy, cả về an ninh lẫn vận tải, Djibouti nằm ở vị trí khó thay thế. Hiện căn cứ của Hoa Kỳ ở tại đây, trại Lemonnier đã có 4.000 quân.
Tường Quyên (Theo BBC News, 7/2017)