Trông chờ gì ở phiên phúc thẩm vụ kiện dai dẳng Vinasun - Grab?

(NTD) - Sáng mai 10/3, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM sẽ xử phiên phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab. Như vậy, sau gần 15 tháng kể từ sau phiên tòa sơ thẩm tuyên Vinasun thắng kiện, tòa phúc thẩm mới xét lại kháng cáo của Grab và Vinasun, cùng kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao.

Cuộc đấu pháp lý Vinasun - Grab giằng co hai năm qua và chưa có hồi kết...

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Ngày 6/2/2018, phiên tòa đầu tiên của Vinasun kiện Grab diễn ra tại TP.HCM – bắt đầu cho những giằng co pháp lý không hồi kết giữa hãng taxi truyền thống và hãng xe công nghệ. Trong đơn khởi kiện, Vinasun đòi Grab “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” vì đã làm doanh thu của Vinasun sụt giảm nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ GTVT, các luật thương mại và giao dịch điện tử, vi phạm nghĩa vụ thuế với nhà nước và hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Lúc đó, Vinasun khẳng định Grab là nguyên nhân khiến 8.000 lái xe Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải nằm bãi. Từ đó, họ yêu câu Grab bồi thường thiệt hại một lần số tiền lên đến 41,2 tỷ đồng.

Các phiên xử náo động diễn ra, cả hai bên có lúc tưởng bắt tay làm hòa, thế nhưng sau đó lại kéo nhau ra tòa. Ngày 28/12/2018, Tòa án Nhân dân TPHCM xử Grab bồi thường cho hãng taxi truyền thống kia 4,8 tỷ đồng – không đúng như họ mong đợi. Grab cũng không chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm.

Hơn hai tuần sau, VKSND Cấp cao TP.HCM có kháng nghị phúc thẩm số 51 ngày 14/1/2019 với nhận định: Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab.

Bản án sơ thẩm “không có căn cứ pháp luật”

"Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng..., nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.

Kháng nghị cũng nói rằng bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật và là lý do làm cho các xe taxi của Vinasun nằm bãi, không hoạt động gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỉ đồng mà không xem xét đến các yếu tố khác là "không có căn cứ pháp luật".

VKSND Cấp cao TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Ông Jerry Lim (giữa), cựu CEO Grab Vietnam, trong một phiên tòa tháng 10/2018 (Ảnh: D.T.)

Tình hình thay đổi

Thị trường xe taxi và xe công nghệ cũng có những thay đổi lớn kể từ sau bản án sơ thẩm.

Tuy doanh thu vẫn sụt giảm, nhưng trong năm 2019 vừa rồi Vinasun đã cắt được đà suy giảm lợi nhuận trong ba năm liên tiếp trước đó. Doanh thu hợp nhất của hãng taxi đạt hơn 1.991 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận kinh doanh taxi thu về gần 425 tỷ. Cùng với việc cắt chi phí chính là lãi vay ngân hàng và chi phí bán hàng, Vinasun có được 47 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi, gấp gần 5 lần con số năm 2018.

Các hoạt động thanh lý tài sản cố định, xe cũ và quảng cáo trên hãng taxi giúp hãng thu về 139 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, Vinasun lãi 109 tỷ đồng.

Như vậy, có lẽ sự thức thời và đổi mới cung cách quản trị của hãng taxi đã làm nên thay đổi lớn lao trên. Nhưng mức lợi nhuận này, trung bình mỗi tháng 10 tỷ trước thuế, không làm Vinasun hài lòng mà tiếp tục đeo bám vụ kiện dai dẳng.

Trong khi đó, taxi công nghệ có hành lang pháp lý mới với nghị định 10 sau bốn năm với biết bao thay đổi kể từ Quyết định 24. Từ chỗ chỉ được phép hoạt động thí điểm tại 5 tỉnh và thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa) và phập phồng với các quyết định mới, nay các hãng xe công nghệ có thể bung ra khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Điều này đồng nghĩa thị trường tiềm năng mở ra rất lớn.

Nhưng các hãng xe công nghệ và cả hãng taxi phải lựa chọn hình thức hoạt động thích hợp: đồng hồ tính tiền hay phần mềm tính tiền. Từ 1/4, ngoài việc dán phù hiệu xe hợp đồng cố định ở mặt trong kính trước của xe, các xe hợp đồng điện tử của GrabCar, FastGo, beCar và các hãng khác trong tương lai sẽ phải dán cố định cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang ở kính trước và kinh sau của xe. Kích thước tối thiểu phải đạt 6cm x 20cm để dễ nhận diện và quản lý.

Thời gian để xin cấp lại phù hiệu và miếng dán phản quang là trước ngày 1/7/2020, tức các lái xe có ít nhất ba tháng để thực hiện.

Xe taxi cũng được lựa chọn sử dụng đồng hồ tính tiền như hiện nay hoặc phần mềm tính tiền  như xe hợp đồng điện tử.

Những cải cách điều hành và quản trị của Vinasun trong năm 2019 giúp hãng cắt đà suy giảm lợi nhuận của ba năm trước đó và đạt lãi ròng 109 tỷ đồng (Ảnh: GPO)

Khóc cho chính mình

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng nghị định 10 là “quy định rất mở để các đơn vị tự phân định rõ hoạt động của đơn vị mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh cho phù hợp kể từ ngày 1/4”.

Quy định mở này là một bước tiến mới của việc hình thành chính phủ điện tử, nhân rộng mô hình dịch vụ tiên tiến và sức mạnh cạnh tranh của các tỉnh thành trên cả nước.  Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – nói rằng các địa phương sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử, tiếp sau mảng giao thông để phát triển và cạnh tranh. “Năng lực quản lý và năng lực của cán bộ cũng sẽ tăng lên. Nếu tận dụng, đây sẽ là cú hích mới với phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”, ông Hậu nhận xét.

Trong một buổi trao đổi tại TP.HCM, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói rằng trong năm 2020 là một năm khó khăn bởi dịch Covid-19 và dư âm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì thế, ông nói “các doanh nghiệp cần chuyển sang kinh tế số, vận dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và vận dụng chính phủ điện tử để vượt qua thử thách”.

Khoản lời hơn 100 tỷ sau những cải cách quản trị và lề thói kinh doanh của Vinasun dường như là câu trả lời rõ ràng cho “vụ kiện không căn cứ” sẽ được xử phúc thẩm ngày 10/3. Thay vì đổ lỗi cho người khác về những yếu kém trong kinh doanh của mình, Vinasun cần thúc đẩy hơn tư duy quản trị mới, đầu tư và phát triển sản phẩm mới, nhất là cho ra một ứng dụng đặt xe chạy mượt hơn trên cả hai nền tảng Android và iOS và có tài xế lúc khách cần.

“Vinasun phải tự thay đổi và làm mới mình. Nếu không, họ vẫn mãi là em bé chưa lớn. Mong chờ một kết quả tròn trịa của vụ kiện đòi bồi thường dai dẳng giống như khóc cho chính mình.” – như lời một luật sư tại TP.HCM nhận định.

Ricky Hồ 

Nên đọc