Theo đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 19.871 tỷ đồng. Trong đó: Nhà nước hỗ trợ khoảng 9.729 tỷ đồng (gần 50% tổng số vốn) và nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa là 10.142 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được Bộ GTVT đưa ra: Trong năm 2019 sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và từ 2019 - 2022 sẽ thực hiện thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và tiến hành sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ năm 2022 đến năm 2024 sẽ thi công và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2025. Sau năm 2025 sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.
Dự án xây dựng công trình đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức do Bộ GTVT là đơn vị quyết định đầu tư; Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long được giao thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo quy hoạch, đường vành đai 3 kết nối TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 20.000 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 97,7km. Đây là tuyến đường được kỳ vọng sẽ kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Dự án được chia làm 4 đoạn, gồm: Bình Chuẩn - Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7km; đoạn 2: Tân Vạn - Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3km; đoạn 3: Bình Chuẩn (Bình Dương) - quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5km, và đoạn 4: Quốc lộ 22 - Bến Lức (Long An) dài 29,2km.
Văn Nguyễn (t/h)