Trẻ không thể ngồi xổm: Có phải dấu hiệu bất thường xương khớp?

(CL&CS) - Ngồi xổm vốn là một tư thế quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ngày nay, tỷ lệ trẻ em không thực hiện được động tác này đang gia tăng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng và tìm cách chữa trị. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp y khoa.

Chỉ định phẫu thuật sai gây hệ lụy nặng nề cho trẻ

Một bé gái 14 tuổi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) khám trong tình trạng dáng đi bất thường, mất cân đối, dù không hề có cảm giác đau đớn. Bác sĩ ban đầu nghi ngờ bé bị chênh lệch chiều dài hai chân. Tuy nhiên, kết quả chụp phim toàn trục và đo chiều dài chi cho thấy sự chênh lệch không đáng kể (dưới 10mm). Đồng thời, kiểm tra cột sống cũng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có thể gây ra tình trạng trên.

Qua trao đổi với người thân, bác sĩ được biết, trước đó gia đình đã đưa bé đến thăm khám tại một bệnh viện khác khi nhận thấy con không thể ngồi xổm. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc tình trạng co rút gân gót (gân Achilles) và được chỉ định phẫu thuật kéo dài gân nhằm cải thiện khả năng vận động.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, tình trạng của bệnh nhân không những không cải thiện mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Dáng đi mất cân đối khiến bé gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Gia đình tiếp tục đưa con đi tái khám và nhận được chẩn đoán bàn chân bẹt, cần sử dụng giày chỉnh hình. Không đồng tình với kết luận này, gia đình quyết định đến bệnh viện Vinmec Times City để được đánh giá và điều trị chuyên sâu.

Theo ThS.BS Hồ Ngọc Minh - Giám đốc Vận hành Motion Lab kiêm Bác sĩ Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học Thể thao, Bệnh viện Vinmec Times City, phẫu thuật kéo dài gân gót chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp có bằng chứng rõ ràng về tình trạng co rút gân gót thực sự. Đây là tình trạng thường gặp trong các bệnh lý thần kinh cơ, như bại não hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp không phẫu thuật như tập luyện, bó bột hay dùng nẹp chỉnh hình.

“Nếu không đáp ứng các điều kiện này mà vẫn tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng vận động,” bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để tầm soát bất thường cơ xương khớp, đảm bảo chẩn đoán toàn diện,chính xác, tránh sai sót trong điều trị

Bác sĩ cũng cho biết, khi phẫu thuật được thực hiện sai, các biến chứng gây ra thường rất khó để khắc phục. Những can thiệp phẫu thuật sửa chữa sau đó gần như không thể phục hồi hoàn toàn chức năng vận động của bệnh nhân. Điển hình là trường hợp của bé gái trên, hậu quả của việc chẩn đoán và điều trị sai đã làm cho dáng đi của bé trở nên lệch lạc và khó chịu hơn.  

Nguyên nhân thực sự: Do thói quen và sinh hoạt

Hiện nay, ngồi xổm không còn là thói quen sinh hoạt phổ biến, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Trước đây, các thế hệ trước thường xuyên thực hiện động tác này trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi sử dụng nhà vệ sinh kiểu cũ (xí xổm). Việc lặp lại động tác từ nhỏ giúp cổ chân thích nghi với biên độ gấp lớn, có thể đạt tới 60 độ.

Tuy nhiên, với thế hệ Gen Z và những người sinh sau đó, thói quen này dần biến mất do sự thay đổi trong sinh hoạt, như không còn sử dụng xí xổm hoặc ít phải ngồi ở độ cao thấp. Kết quả là cổ chân của nhiều người không phát triển khả năng gấp sâu, với biên độ gấp chỉ đạt dưới 15 độ.

Khả năng gấp cổ chân thường dễ dàng hơn ở trẻ nhỏ, nhưng khi bước vào giai đoạn dậy thì, sự phát triển chiều cao nhanh chóng khiến gân gót căng hơn, làm giảm khả năng này. Các yếu tố như cân nặng hay khả năng thăng bằng cũng ảnh hưởng đến việc trẻ có thể ngồi xổm hay không.

“Nếu trẻ vẫn đi lại, chạy nhảy và chơi thể thao bình thường, việc không ngồi xổm được không phải là vấn đề nghiêm trọng. Trong trường hợp không có bất thường về cấu trúc vùng cổ bàn chân, tập luyện là giải pháp an toàn và hiệu quả để cải thiện khả năng ngồi xổm, thay vì phải can thiệp phẫu thuật, bác sĩ Minh cho biết.

Vị bác sĩ cũng nhấn mạnh, các gia đình cần tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia khác nhau để có cái nhìn toàn diện về tình trạng bất thường ở con, từ đó đưa ra quyết định can thiệp y khoa chính xác, tránh những sai sót đáng tiếc.

Phát hiện và can thiệp sớm các bất thường chi dưới ở trẻ

Các bất thường ở chi dưới như chân chữ X, chân chữ O, bàn chân bẹt, vòm cao, bàn chân xoay trong, bàn chân xoay ngoài, bàn chân khoèo… có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng vận động, dáng đi, tăng nguy cơ chấn thương và giảm chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và chính xác các bất thường này là rất quan trọng để có phương án điều trị hoặc can thiệp kịp thời.

Hiện tại, Y học Thể thao Vinmec sử dụng công nghệ phân tích chuyển động và hình ảnh tiên tiến, cung cấp gói sàng lọc bất thường vận động chi dưới ở trẻ với các chuyên gia đầu ngành về chỉnh hình Nhi cùng các công cụ đo chuẩn quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, giúp chẩn đoán sớm và chính xác các bất thường này.

TIN LIÊN QUAN