Trào lưu khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn hàng hiệu!

(CL&CS) - Adidas vừa tung ra bán loại khẩu trang vải với giá 16 USD cho một pack 3 cái trên mạng. Chỉ sau một ngày thì hết sạch hàng. Loại khẩu trang này sau đó được các fan bán lại trên eBay với giá 90 USD/pack.

Loại khẩu trang của Adidas được bán lại trên eBay với giá 90 USD/pack 3 cái (Ảnh: Adidas)

Adidas là hãng giày và trang phục thể thao đầu tiên tung ra loại khẩu trang riêng. Adidas nói loại vải dùng để may khẩu trang chưa đạt độ kháng khuẩn trong y tế, nhưng đủ thoáng để người dùng thở và đủ sức ngăn các giọt bắn. Hãng cũng nói rằng mỗi pack bán được hãng sẽ dành 2 USD để gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện toàn cầu chống virus viêm phổi của quỹ Save the Children. 

Hai hãng khác là Nike and Under Armour cũng chuẩn bị tung ra loại khẩu trang bằng vải riêng sau loại khẩu trang y tế.

Hãng thời trang Uniqlo cũng chào bán loại khẩu trang vải riêng từ mùa hè 2020 (Ảnh: NAR)

Tuần trước, Uniqlo nói sẽ bán loại khẩu trang vải riêng của thương hiệu thời trang này từ mùa hè 2020. Nguyên liệu để may khẩu trang là loại vải dùng cho nhãn đồ lót AIRism của hãng, được giới thiệu là “thoáng mát và khô ráo”. Giá bán tại các cửa hàng Uniqlo và trên mạng không rẻ, lên đến vài ngàn yen (hãng không nói rõ có bao nhiêu khẩu trang trong một pack).

Trước đó nữa thì các hãng hàng xa xỉ như LVMH hay các hãng mỹ phẩm cao cấp như Shiseido và Kao cũng tung ra các loại nước rửa tay sát khuẩn mang thương hiệu của họ.

Các loại khẩu trang và nước rửa tay có thương hiệu như thế này có giá gấp nhiều lần các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Ít ra có tới 20% sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo được sản xuất tại Việt Nam – theo như tiết lộ về các hãng xưởng ở Trung Quốc và Đông Nam Á của Fast Retailing – công ty mẹ sở hữu Uniqlo. Adidas, Nike và Under Armour cũng gia công hàng ở Việt Nam.

Chúng ta chắc chắn phải chung sống khá lâu với chủng virus quái quỷ mới. Điều này đồng nghĩa rằng thị trường khẩu trang và nước sát khuẩn chắc chắn là một thị trường có lợi nhuận lâu dài và ổn định. Ngay chính Chủ tịch Tai Jeng-Wu của hãng điện tử Sharp (Nhật Bản) cũng nhận định như vậy và cho biết sẽ tái cơ cấu năng lực sản xuất của các nhà máy của Sharp ở châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc để giành thị trường mới.

Song Hảo

Nên đọc