Trạm thu phí hay “Trạm thu giá”!!! Dậy sóng vì sao?

(NTD) - “Trạm thu phí” trên cả nước vừa qua được đổi tên thành “Trạm thu giá” - chuyện tưởng nhỏ mà lớn: Không lớn sao mạng xã hội dậy sóng? Không lớn sao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải trả lời báo chí? Không lớn sao Quốc hội dành nhiều thời gian để các đại biểu ý kiến?!!! Vậy mà cả tuần rồi, vẫn còn “nóng”.

Từ văn bản đến thực tế

Khoản 1 Điều 3 Luật Phí và lệ phí hiện hành nêu rõ: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.

Hiểu một cách đúng đắn, từ phí chỉ dùng cho các nguồn thu có trong “Danh mục phí” và nguồn thu “công”.

Thế thì ta phải dùng từ khác vì nguồn thu BOT không nằm trong “Danh mục phí” và theo Bộ Giao thông Vận tải giải thích nó chẳng phải là nguồn thu “công”.

Từ ngữ “Trạm thu giá” được ra đời trong hoàn cảnh này thật là “sáng tạo và đầy trách nhiệm”. Khi vừa lách được Luật Phí và lệ phí, vừa khẳng định đó là nguồn thu ngoài “công”, có lợi cho “ấy”.

Về ngôn ngữ học

Tiếng Việt ta rất giàu và đẹp, nó phát triển qua các thời gian và ngày càng phong phú đa dạng.

Từ điển ngày xưa chỉ có từ “thu phí”, thì nay phải có thêm từ “thu giá”. Quả là hay, sáng tạo và hiện đại…

Vậy mà các đại biểu Quốc hội có ý kiến liên tục, chỉ trích. Ngày trước, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng bị chỉ trích là “Tứ đại ngu” và ông đã phát biểu rất nhẹ nhàng, “tôi học được bài học lắng nghe để sửa mình…”

Vâng, tôi tin rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lắng nghe và muốn sửa lắm?

Còn nếu không sửa được thì tôi có đề nghị, mình sửa từ điển, phân biệt rõ “Công” - “Tư”

CÔNG                   TƯ

Trạm thu phí             Trạm thu giá

Học phí               Học giá

Viện phí              Viện giá

Lệ phí               Lệ giá

Dịch vụ phí              Dịch vụ giá

Lạm bàn, chóng mặt, hại não nhưng vẫn thấy “sướng”. Mong mỏi lãnh đạo biết lắng nghe là mong muốn chính đáng của người tiêu dùng.

Mách Lẻo 

 
Nên đọc