Trái vú sữa ở huyện nông thôn mới

(NTD) - Phong Điền là huyện nông thôn mới đầu tiên của Cần Thơ. Huyện tập trung vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.

 

Phong Điền hiện có trên 6.000ha cây ăn trái, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên từ 7.500-8.000ha. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền đã xác định và quy hoạch phát triển 5 loại cây ăn trái chủ lực gồm dâu hạ châu, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa và nhãn theo phương thức sản xuất chuyên canh và phân bố đều trên toàn huyện. Trường Long là một trong những xã nổi tiếng về cây vú sữa.

Ông Nguyễn Thái Mùi, 68 tuổi, quê ở ấp Trường Khương, xã Trường Long từng là cán bộ giáo viên ở huyện Phong Điền. Trước khi về hưu, ông đã lên kế hoạch làm kinh tế vườn, trồng toàn vú sữa lò rèn. Sau 8 năm phát triển, 15 công vú sữa của ông đã cho trái sum suê, sản lượng mỗi năm trên 40 tấn, thu về trên 1,3 tỷ đồng.

Là một giáo viên có trình độ nhất định về nông nghiệp nên ông đã áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt là xử lý cho cây ra trái nghịch vụ. Theo ông, vú sữa mùa nghịch (từ tháng 10-11 âm lịch) có giá rất cao, từ 40.000-60.000 đồng/kg, gấp ba lần mùa thuận. Vì vậy mà ông đã đầu tư cho hệ thống tưới tiêu và phân bón để chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật.

Cũng theo ông, vú sữa tuy dễ trồng, năng suất cao hơn các loài cây ăn trái khác, nhưng muốn cho cây phát triển bền vững, chất lượng bảo đảm, trái to, mẫu mã đẹp, ông trồng rất thưa, chỉ một hàng cây ở giữa liếp. Nhờ vậy, cây mới quang hợp đầy đủ, dễ ra hoa, đậu trái. Ngoài ra, ông hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, đồng thời tăng cường phân hữu cơ bằng cách mỗi năm vét bùn non tô lên gốc, rễ 2-3 lần.

Thời gian qua, tuy phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài nhưng ông đã chủ động về nguồn nước, khi nào cần xả nước, phơi nắng, khi nào phun tưới giúp cho cây ra hoa theo ý muốn. Nhờ vậy mà năm nào năng suất cũng cao, đầu ra ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua.

Hướng tới, ông Mùi sẽ sản xuất theo mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ, thân thiện với môi trường, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Tuy nhiên, người trồng vú sữa vất vả nhất là khâu hái trái. Suốt từ tháng 10-11, ngày nào vườn ông cũng cần trên 10 người hái trái từ sáng đến chiều. Tiền công mỗi người 350.000 đồng/ngày, bao cơm.

Vú sữa Phong Điền hiện có nhiều loại, phổ biến nhất là vú sữa lò rèn, kế đến là vú sữa bơ hồng, bơ trắng, vú sữa tím, cà na, bách thảo, tứ quý... Thường vú sữa bơ hồng chín sớm, các loại khác kéo dài từ trước Tết cho đến hết tháng Hai âm lịch. Do vậy, mùa thu hoạch kéo dài giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.

Cũng theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long nhận xét: “Mô hình trồng vú sữa lò rèn của thầy giáo Mùi hiệu quả rất cao nhờ thầy nắm vững kỹ thuật xử lý cho cây ra trái nghịch vụ. Hơn nữa, thầy còn hạn chế sử dụng phân vô cơ nên cây phát triển bền vững. Không những làm kinh tế giỏi, thầy Mùi còn tham gia các hoạt động công ích như làm đường giao thông nông thôn, xây cất nhà tình thương, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc”.

 Lộc Phúc

Nên đọc