Trách nhiệm xã hội và ý thức cộng đồng

(NTD) - Chưa bao giờ Việt Nam lại đưa ra những biện pháp mạnh mẽ như hiện nay để phòng chống Covid-19. Hàng loạt giải pháp hỗ trợ kinh tế trong và sau dịch bệnh cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Một điều rất đáng ghi nhận là sự đồng lòng hiếm có khi cả nước cùng chung tay chống đại dịch. Như chỉ hơn 1 ngày sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, đã có hơn 250 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân, cơ quan, đơn vị… đóng góp để chia sẻ khó khăn với đất nước.

Dù nhiều hay ít, lớn hay nhỏ của Thủ tướng, đại gia hoặc dân thường thì đều hướng tới mục đích cao đẹp: Chung tay góp sức cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Tất cả chúng ta cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, trật tự xã hội trước đại dịch. Những đóng góp to lớn và quý giá này góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và nhân ái”.

Có lẽ không chỉ những ủng hộ vật chất và đóng góp tinh thần lớn lao như vậy mà ngay cả sự đồng thuận của số đông trong cách xử lý dịch bệnh ở Việt Nam cũng là điều không thể phủ nhận.

Có thể sẽ bất tiện hay khó khăn với một số người, cũng chắc rằng không thể hài lòng tất cả nhưng hàng loạt biện pháp mạnh mà Chính phủ Việt Nam đưa ra như tạm dừng cấp visa 30 ngày với tất cả công dân nước ngoài, cách ly bắt buộc người về từ vùng dịch, phong tỏa các cụm dân cư hay khu phố có người nhiễm bệnh, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng… đã được đại đa số ủng hộ và đồng lòng thực hiện.

Giờ đây là lúc “mình vì mọi người” và ý thức vì cộng đồng cần được nâng cao, tôn trọng và thực thi hữu hiệu hơn bao giờ hết. Rất khó để nói rằng phương pháp để cho “lây lan diện rộng tạo miễn dịch cộng đồng” hay điều mà Việt Nam đang tích cực làm cái nào hiệu quả hơn khi dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp. Tuy nhiên với dân số gần 100 triệu người, nguồn khách ra vào rất đông và nguy cơ lây lan chực chờ thì những gì chúng ta đang làm được nên được coi là nỗ lực đáng ghi nhận.

Không quá lạc quan hay chủ quan ru ngủ để bảo với nhau rằng Việt Nam đã làm quá tốt hay chiến thắng dịch bệnh nhưng cái gì làm được cần ghi nhận, điều nào thiếu sót cần thẳng thắn để tốt hơn.

Chưa quốc gia nào thời hiện đại từng đối mặt với đại dịch khủng khiếp như Covid-19, cũng không có biện pháp nào dù cứng rắn hay mềm dẻo đủ để ngăn ngừa tất cả những tình huống xấu nhất. Giờ không phải là lúc chê bai, dè bỉu và tốt hơn cả làm làm thế nào để khống chế và nhanh qua dịch bệnh.

Biết rằng kinh tế sẽ khó khăn, kinh doanh sẽ thiệt hại và làm ăn sẽ điêu đứng vì dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn xác định “hy sinh lợi ích kinh tế vì sự an toàn của người dân”.

Tuy nhiên, với gói hỗ trợ tín dụng và giãn thuế 285.000 tỷ đồng cùng hàng loạt biện pháp giúp hồi phục sản xuất kinh doanh đã được đưa ra và bắt đầu thực thi đang mở ra những hy vọng cho cả nền kinh tế nước nhà. Khó có thể nói trước điều chưa tới nhưng ít ra giờ đây đã có cơ sở, nguồn lực và dòng vốn để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong những ngày tới.

Khi châu Âu đã “đóng cửa” nhiều nước đã phong tỏa, dịch bệnh vẫn còn khó lường thì những biện pháp, cách xử lý và phương thức đối phó chưa từng có trong lịch sử mà Việt Nam áp dụng cần được ủng hộ vì sức khỏe cộng đồng.

Kinh tế suy giảm có thể hồi phục, giao thương tạm ngưng có thể mở lại, biên giới “đóng cửa” rồi sẽ mở như cũ… nhưng tính mạng con người không gì có thể so sánh. Dù khó khăn hay vất vả, bất tiện hay thiệt thòi thì đây cũng là lúc mọi người thể hiện trách nhiệm xã hội, tinh thần công dân và ý thức cộng đồng. May mắn thay, điều đó đang hiện hữu khắp trên đất nước này.

 Phan Nguyễn

 

 

Nên đọc