Truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thành công rực rỡ. Trong số các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ tốt cho Đại hội không thể không không nói đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
"Trong vòng một tháng trước khi diễn ra Đại hội, Cục An toàn thực phẩm đã chủ trì, phối hợp triển khai 05 lớp tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho hơn 60 nhân viên y tế và trên 700 nhân viên của các khách sạn trực tiếp chế biến thực phẩm phục vụ Đại hội"- Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong thông tin.
Cục An toàn thực phẩm cũng đã xây dựng các phương án và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống khác nhau, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra 2 - 3 lượt tất cả các khách sạn, nhà khách về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước, nguồn gốc thực.
"Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện đến tận cơ sở trồng rau, nuôi heo, gia cầm hoặc đơn vị nhập khẩu. Tất cả các cơ sở này phải được chứng nhận an toàn mới được phép ký hợp đòng với các khách sạn, nhà khách phục vụ Đại hội"- PGS.TS Nguyễn Thanh Phong thông tin.
Kịp thời phát hiện thực phẩm không đạt tiêu chuẩn
Trong thời gian diễn ra Đại hội chính thức, ngay từ ngày các đại biểu tới khách sạn, các tổ trực an toàn thực phẩm (gồm 4 thành viên (01 Cục An toàn thực phẩm, 01 Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, 02 Chi Cục ATVSTP Hà Nội) đã thường trực 24/24 giờ kiểm soát toàn bộ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm từ lúc nhập vào, quá trình chế biến và lưu mẫu thực phẩm.
Các nội dung kiểm tra tập trung vào việc thường trực, triển khai nhiệm vụ của các tổ thường trực; việc khắc phục các tồn tại của các đoàn kiểm tra, giám sát phát hiện; việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nhà hàng, khách sạn phục vụ Đại hội (Kiểm thực 3 bước, ghi chép sổ kiểm thực, thực hành chế độ vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm đến quá trình bảo quản thức ăn đã chế biến, quá trình lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm…).
Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên mẫu nguyên liệu và vệ sinh thiết bị, dụng cụ liên quan và thức ăn đã chế biến tại các địa điểm phục vụ Đại hội do các tổ thường trực thực hiện; lấy mẫu ngẫu nhiên và gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để kiểm nghiệm mẫu rau tươi sống, thịt, cá tươi sống để kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật …
Đã kiểm nghiệm, xét nghiệm nhanh 2.429 mẫu về an toàn thực phẩm, trong đó phát hiện 3 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng cho phép và đã dừng sử dụng các rau này và yêu cầu chấm dứt hợp đồng với cơ sở cung cấp, lấy rau từ nguồn khác có đủ điều kiện và xét nghiệm đạt tiêu chuẩn.
Trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, đã có hơn 97.000 suất ăn chính, chưa kể các suất ăn giải khát, tuy nhiên, không có vụ ngộ độc cũng như các ca ngộ độc nào xảy ra.
"Theo ý kiến nhận được từ các Đại biểu trong quá trình giám sát, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao công tác phục vụ Đại hội nói chung và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói riêng. Các đại biểu hài lòng với các bữa ăn cả về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn và thái độ phụ vụ"- Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Chủ động tham mưu, tổ chức triển khai các biện pháp
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong thông tin, trong thực tiễn quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hội nghị, sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế, dù công tác bảo đảm được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng thì vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
"Với quan điểm dự phòng, kiểm soát hiệu quả, chủ động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động tham mưu, tổ chức triển khai các biện pháp để đối phó với những tình huống có thể phát sinh xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm"- PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Theo đó, Cục đã tham mưu, triển khai các biện pháp như: Nghiên cứu, phân tích, đánh tình hình, dự kiến nguy cơ sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm (đối tượng, địa điểm, quy mô, thời gian ...).
Xây dựng kế hoạch chi tiết đối phó với sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt xác định cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp và phối hợp tổ chức triển khai các nguồn lực bảo đảm để thực hiện.
Xây dựng các kịch bản, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, quyết định thành lập, thường trực các Đội điều tra, xử lý sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt tổ chức tập luyện trong suốt một tuần và diễn tập thực địa để đánh giá năng lực, tính sẵn sàng triển khai hành động cụ thể đốii với từng tình huống: có ít người ngộ độc, có nhiều người cùng ngộ độc và nhiều người ngộ độc trong đó có bệnh nhân nặng. Cuộc diễn tập đã được Tiểu Ban Y tế và Ban Tổ chức Đại hội đánh giá cao.
Thiết lập hệ thống giám sát, thông tin, báo cáo từ cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền để phát hiện sớm thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất và quyết định các giải pháp, biện pháp kịp thời để điều tra, xử lý sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm...
Hồng Liên