Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: thời gian qua, trong nông nghiệp đã áp dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quá trình sản xuất. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, khó khăn như: chưa thực hiện đồng bộ “số hóa dữ liệu nông nghiệp dùng chung” nhằm kết nối các dữ liệu về khí hậu, đất đai, hạn, mặn, sản xuất, thu hoạch, chế biến,... chung cho tỉnh và toàn vùng; chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp thường cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất thông thường. Phát triển nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có nguồn lao động chất lượng cao, tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại,…
Đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh
Cũng theo đồng chí Trần Bình Trọng, hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp” nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế, hướng đến đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
Tham gia thảo luận các đại biểu đại diện cho Sở Nông nghiệp và Môi trường; Trường Đại học Trà Vinh; Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers… với các chuyên đề tham luận như ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng máy học trong nông nghiệp thông minh; công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài…
Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, đến nay địa phương đã đưa vào sử dụng hơn 60 drone (máy bay không người lái) để phun thuốc trừ sâu, phân bón, phân tích dữ liệu cây trồng, giám sát và giám sát đất nông nghiệp quy mô lớn tự động hóa hoàn toàn; bên cạnh đó tỉnh có 13 hệ thống giám sát côn trùng trên cây lúa, cây ăn trái có các chức năng tự động đo cảm biến gió, nhiệt độ, quản lý, giám sát mật độ côn trùng vào bẫy với khả năng phân tích 20 loài côn trùng, tự động cập nhật về đơn vị quản lý, theo dõi của ngành chuyên môn, giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có hơn 11.000 ha nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao; trong đó hàng trăm ha đã đạt các chứng nhận quốc tế như GAP, BAP, ASC. Một số cơ sở đã ứng dụng hệ thống giám sát môi trường thông minh (IoT) nhằm phân tích và cảnh báo sớm rủi ro môi trường, nâng cao hiệu quả nuôi trồng và giảm thiểu dịch bệnh.
Toàn cảnh hội thảo khoa học
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh Lâm Thái Hùng cho rằng, để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thì việc gia tăng giá trị cho nông sản là yếu tố rất quan trọng. Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của việc tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành trong việc quảng bá sản phẩm địa phương trên các phương tiện truyền thông hiện đại như fanpage, YouTube, sàn thương mại điện tử,...
Qua các tham luận đã nêu bật lên những lợi ích khi áp dụng các công nghệ 4.0 vào các quy trình sản xuất nông nghiệp có thể kể đến như: Giảm thiểu chi phí, nhân công lao động, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh; tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường; tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất. Tích hợp nhiều ứng dụng như cơ giới hóa các khâu trong sản quá trình sản xuất đến thu hoạch. Tích hợp công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, điều tiết, dự báo để giúp nâng cao năng suất và chất lượng; ứng dụng công nghệ sinh học để lai tạo giống cây trồng mang lại năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với khả năng biến đổi của khí hậu, thời tiết,…