TP.HCM:Xe buýt càng chạy càng lỗ

(CL&CS) - Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, do tính toán trợ giá sai khiến các doanh nghiệp vận tải công cộng thời gian qua hoạt động thua lỗ, nhiều tuyến phải tạm ngừng hoạt động.

Trước thông tin nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM dừng hoạt động vào ngày 15/8, mới đây trong một trả lời báo chí, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận Tải (GTVT) TP.HCM khẳng định, dù tình hình tài chính gặp khó khăn nhưng không có chuyện các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng dừng hoạt động.

Hai năm trở lại đây, TP.HCM có tới 10 tuyến xe buýt có trợ giá ngưng hoạt động, nguyên nhân là tình hình khách đi xe buýt giảm, doanh nghiệp thu không đủ bù chi.

Theo ông Hưng, những năm qua việc bố trí kinh phí trợ giá xe buýt ngày càng giảm và tỉ lệ trợ giá cũng có xu hướng giảm dần. Trợ giá không đủ cho hoạt động xe buýt do quan điểm xe buýt phải tận dụng tối đa sức chứa nhưng khối lượng vận chuyển bình quân có xu hướng giảm.

Cụ thể, đến cuối năm 2019 chỉ đạt 29,7 triệu hành khách/chuyến. Doanh thu khoán còn bất cập, hàng năm áp khoán cho đơn vị hơn 50% so với thực tế thực hiện nhiều năm liền kề. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát huy vai trò vận chuyển phục vụ người dân đi lại.

Cũng theo ông Hưng, tính toán trợ giá sai là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vận tải công cộng thời gian qua hoạt động thua lỗ. Chẳng hạn, năm 2019, sản lượng hành khách ước tính khoảng 5,6 triệu chuyến. Năm 2020, sản lượng chỉ được tính 4,5 triệu chuyến nhưng hiện hữu vẫn là 5,6 triệu chuyến. Kinh phí Nhà nước cấp về thấp dẫn đến việc các HTX, doanh nghiệp vận tải thu không đủ chi.

"Có thể nói doanh nghiệp càng chạy càng lỗ. Tuy nhiên vì nghề nghiệp, người ta phải cố chạy. Chúng tôi hết sức trăn trở khi chứng kiến cảnh nhiều đơn vị rơi vào hoàn cảnh không có tiền những vẫn gồng gánh nợ tiền mua xe, mua dầu, tiền trả lương cho tiếp viên", ông Hưng thông tin thêm.

Trước đó, ngày 23/6, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT TP.HCM cho biết, 3 tuyến xe buýt số 2, 11 và 144 ngừng khai thác từ 1/7. Những tuyến này có lộ trình kết nối giữa nhiều khu vực chợ, trường học, Bến xe Miền Tây tới Chợ Bến Thành và Công viên văn hóa Đầm Sen.

Thay thế tuyến buýt số 2, người dân đi Chợ Bến Thành - Bến xe Miền Tây có thể thay bằng tuyến số 102, 39, 14 hoặc 91. Đối với tuyến buýt số 11, khách đi lại trên trục đường An Dương Vương có thể sử dụng tuyến số 45 hoặc 56, 69. Còn lại, tuyến xe số 144, người dân ở khu vực gần kề Cư xá Nhiêu Lộc đến Bến xe Miền Tây bằng xe buýt số 32.

Hai năm trở lại đây, TP.HCM có tới 10 tuyến xe buýt có trợ giá ngưng hoạt động, nguyên nhân là tình hình khách đi xe buýt giảm, doanh nghiệp thu không đủ bù chi.

Trước tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM có đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 thêm 161 tỷ đồng, nâng lên khoảng 1.311 tỷ đồng và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, do thời gian bổ sung ngân sách từ Nhà nước rơi vào cuối năm nên việc nhận kinh phí này có thể bị chậm trễ.

Về phương án sử dụng nguồn tiền bổ sung, Sở GTVT TP.HCM sẽ triển khai 6 đợt đấu thầu đối với 47 tuyến xe buýt có trợ giá (có 33 tuyến hiện hữu và 14 tuyến mới) trong quý 3 và 4/2020. Hiện Sở GTVT đang gửi Sở Tài chính thẩm định lần 2 dự toán gói thầu đợt 1 và trình đề cương, dự toán kinh phí cũng như kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện cho đợt 2.

Thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ tập trung mở rộng các tuyến xe buýt phục vụ người dân ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, Q.9 và các tỉnh lân cận.

Chi Lê

Nên đọc