TP.HCM: Vẫn còn nhiều vướng mắc khi triển khai dịch vụ công trực tuyến

(CL&CS) - Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch và nhiều thủ tục đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu… là những vướng mắc khiến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đến tháng 4/2020, TP.HCM đã triển khai 1.292 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 1.786 thủ tục hành chính đang áp dụng, trong đó mức độ 3 là 989 dịch vụ và mức độ 4 là 303 dịch vụ. Các thủ tục được nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng liên quan đến lao động, kinh doanh và xây dựng.

Một trong những hạn chế khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch. Ảnh:T.L

Các địa phương như Hóc Môn, Bình Thạnh, Bình Tân và Thủ Đức được đánh giá có kết quả nổi bật trong giải quyết thủ tục hành chính qua mạng. Riêng Bình Tân là quận có tốc độ đô thị hóa cao, trung bình mỗi năm, quận giải quyết hơn 800.000 hồ sơ của người dân trên các lĩnh vực. Vì vậy, chính quyền địa phương xác định lấy công nghệ thông tin làm nền tảng để mở rộng dịch vụ công trực tuyến.

Năm 2016, Bình Tân bắt đầu thực hiện 20 thủ tục qua mạng ở cấp độ 3, hiện con số này đã tăng lên 61. Ngoài ra, 17 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng đang hoạt động khá hiệu quả, giảm tải đáng kể cho người dân và cán bộ phụ trách hồ sơ.

Theo lãnh đạo UBND Q. Bình Tân, vẫn còn nhiều khó khăn nhất định khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có những thủ tục đòi hỏi người dân phải scan dữ liệu, nhất là trong xây dựng yêu cầu kèm bản vẽ thiết kế xây dựng nên chưa thuận lợi cho người dân, dẫn đến tỷ lệ thực hiện trong lĩnh vực này thấp.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, một trong những hạn chế khiến tỷ lệ người dân và cả doanh nghiệp chưa “mặn mà” với dịch vụ công trực tuyến là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, việc giải quyết hồ sơ nhiều nơi chưa minh bạch.

Cũng theo bà Trinh, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho thành phố thực hiện một số giải pháp để tăng dịch vụ công trực tuyến như: tinh giản thủ tục hành chính để dễ dàng thực hiện trên môi trường điện tử, khẩn trương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, hộ tịch và đất đai. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 qua thiết bị di động thông minh.

TP.HCM sẽ có những giải pháp cụ thể để thực hiện lộ trình chung của Chính phủ đặt ra là đến năm 2025, toàn bộ thủ tục hành chính phải được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ phải từ 50% trở lên. Các quận, huyện nhân rộng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ của Bưu điện TP.HCM, đảm bảo mức độ phát hồ sơ mức độ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ tối thiểu 40%.

TP.HCM đang triển khai xây dựng đô thị thông minh nhằm phục vụ dân ngày càng tốt hơn. Do đó dịch vụ công trực tuyến và nhiều đề án của các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ cùng với nguồn nhân lực thông minh sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến mới trong quản lý, điều hành của chính quyền điện tử do dân, vì dân.

Khánh Chi

Nên đọc