Liệu có minh bạch khi Bitexco được “ôm” dự án?
Năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.
Qua những động thái từ trước đến nay của doanh nghiệp cũng như lãnh đạo TP.HCM cho thấy việc Bitexco cố “ôm” và được đề xuất “ôm” dự án Bình Quới - Thanh Đa đã gây bức xúc cho người dân nơi đây. Bởi từ khi “ôm” dự án này, Bitexco gần như không có một hành động cụ thể nào để triển khai hiệu quả, khiến cho tình trạng kéo dài hàng chục năm qua và biết bao gia đình khổ sở vì quy hoạch “treo”?
Thanh Đa từ lâu được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch của thành phố bởi vị thế đắc địa và những tiềm năng phát triển hết sức lớn. Vậy mà giờ đây lại không thua gì một vùng nông thôn nghèo nàn, hoang hóa. Dân trồng lúa, nuôi heo, nuôi cá ngay tại mảnh đất chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số.
“Ở đây còn thua mấy miền quê hẻo lánh, mang tiếng thành phố mà thấy tui phải cắt cỏ cho bò ăn như vầy không? Không chăn nuôi, trồng trọt thì ở đây còn làm gì được?” - Ông Nguyễn Văn Hiệp, KP2, phường 28, Bình Thạnh chia sẻ.
Liên hệ với Bitexco để làm rõ vấn đề trách nhiệm và những nỗi khổ người dân Thanh Đa đang gặp phải, chúng tôi chỉ nhận được những lời hứa trả lời từ lãnh đạo đơn vị này. Sự “trốn tránh” của Bitexco làm dấy lên mối hoài nghi về sự minh bạch trong việc được giao dự án Bình Quới - Thanh Đa?
Theo nhiều chuyên gia đầu ngành bất động sản, việc để dự án “treo” kéo dài lỗi trước hết thuộc về cơ chế quản lý đất đai từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư giao đất đến giám sát quá trình thực hiện đầu tư sau khi giao. Sự thiếu minh bạch trong cơ chế giao đất rất dễ dẫn đến tình trạng “chạy chọt” giành dự án nhưng không triển khai, mà tìm đối tác chuyển nhượng lại. Sau khi giao đất, chủ đầu tư chậm triển khai thì có thể thu hồi theo quy định, nhưng chính quyền thành phố lại không cương quyết thu hồi, phải chăng vì vướng vào các mối quan hệ phức tạp, và cả những lý do “lòng vòng” như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thay đổi sở hữu, khủng hoảng kinh tế nên tạm thời xin trì hoãn?
Đời sống người dân Thanh Đa gặp nhiều khó khăn. |
Giao thông tại báo đảo Thanh Đa dù gần sát trung tâm thành phố nhưng xuống cấp trầm trọng. |
Thanh Đa thành vùng đất hoang đã 26 năm, liệu có được “giải thoát”? |
Phân hóa rõ rệt 2 vùng giàu - nghèo
Chính sự “ôm” mãi dự án mà không có động thái xử lý nào đã “vẽ” nên 2 mảng sáng tối trên chính bán đảo đầy tiềm năng này. Bên cạnh sự hối hả, hiện đại của một thành phố năng động phía bên ngoài, sâu bên trong Thanh Đa là sự nghèo nàn, “hoang hóa”.
Cùng một con đường mang tên Bình Quới, nhưng Thanh Đa dường như chia hai nửa. Phía đầu đoạn đường là những dự án bất động sản đã hoàn thành, với vẻ đẹp hiện đại, đẩy giá trị khu đất lên cao. Theo ước tính của một công ty môi giới bất động sản tại khu vực này thì giá trị đất nền ở đây lên đến 130-200 triệu đồng/m2. Trong khi đó, càng đi sâu vào trong khu vực bán đảo, giá trị đất càng giảm, xuống chỉ 60-70 triệu, hay thậm chí chưa đến 30 triệu đồng/m2.
“Phía ngoài này thì là người thành phố chuẩn rồi vì có nhà cao tầng, chung cư… còn trong kia là người dân quê rồi”. - Một người dân sống tại đây chua chát.
Theo chuyên gia Huỳnh Thanh Điền: “Do chưa xác lập quyền sử dụng rõ ràng vì đang nằm trong quy hoạch, hạ tầng chưa được đầu tư bài bản nên phần đất phía trong Bình Quới - Thanh Đa giá thấp”. Ông Điền còn cho rằng, do Thanh Đa vẫn còn đang trong tình trạng quy hoạch “treo” nên quyền sử dụng đất chưa được xác lập rõ ràng, rủi ro đối với người mua cao, không hấp dẫn người mua nên giá thấp. Đây cũng là nguyên nhân gây khổ sở cho những người dân suốt mấy chục năm trời.
Để hoàn thành được các mục tiêu điều chỉnh quy hoạch, ông Phong yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải rà soát lại toàn bộ các dự án chậm triển khai, có phương án xử lý theo hướng: Những dự án nào sau 3 năm không triển khai thì công bố hủy bỏ, thu hồi, đồng thời giải quyết bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Như vậy, với lời hứa của người đứng đầu chính quyền thành phố, người dân Thanh Đa đang rất trông chờ vào một ngày sớm nhất nơi này thoái khỏi kiếp dự án “treo”, vì theo lời ông Phong dự án Bình Quới - Thanh Đa phải được “giải thoát” bởi đã “treo”, không chỉ 3 năm mà đến tận 26 năm trởi!
Kim Ngọc - Ảnh:Hiếu CT