Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 20120, TP.HCM sẽ tập trung vào xây dựng hạ tầng giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa gắn với nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông đô thị.
Giao thông TP.HCM được ưu tiên phát triển trong 4 năm tới (Ảnh. Nguyên Vũ) |
TP.HCM ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh; kết nối tốt hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là giao thông công cộng có sức chở lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; hoàn thành công tác thiết lập lại trật tự lòng đường, lề đường, vỉa hè; chấm dứt và không để tái diễn tình trạng xe khách trá hình và bến xe khách lậu; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông.
Chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 272km chiều dài đường bộ và 76 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị (trong đó hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi phấn đấu đạt từ 15% đến 17%); kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắc giao thông; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó.
V.Sơn (T/h)