TP.HCM: Loay hoay chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất

(NTD) - Trung tâm chống ngập TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách TP với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để giải quyết thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Trung tâm chống ngập, dự án cải tạo kênh Hy Vọng trước đây là dự án thành phần 4A thuộc dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đã được UBND TP chấp thuận thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP từ đầu năm 2013. Song đến năm 2014, trong quá trình thực hiện công tác đầu tư dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét đầu tư dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM và đưa hạng mục này vào trong dự án quản lý rủi ro ngập nước để đầu tư bằng vốn ODA của WB.

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng sau những trận mưa lớn

Tiếp đó, năm 2016, UBND TP có quyết định phê duyệt dự án đầu tư dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM sử dụng vốn ODA của WB. Trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng với quy mô: Tổng chiều dài kênh 1.822 m, kết cấu bê tông cốt thép; kinh phí xây dựng là 110 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án: Từ năm 2016 đến 2021. Tuy nhiên, sau đó do WB dừng tài trợ vốn cho dự án quản lý rủi ro chống ngập nên dự án cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại, chờ tìm nguồn vốn khác.

Theo đánh giá của Trung tâm chống ngập, dự án cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết thoát nước, chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực dọc hai bên kênh thuộc phường 15, quận Tân Bình là rất cấp bách và quan trọng. Trong khi số vốn xây dựng chỉ khoảng 150 tỷ đồng là không lớn so với hiệu quả dự án mang lại.

Kênh Hy Vọng cùng A41 và Nhật Bản là 3 hướng thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài kênh Nhật Bản đã được cải tạo thì 2 kênh còn lại đang bị lấn chiếm, thu hẹp lòng kênh khiến sân bay bị ngập mỗi lần mưa lớn do nước không thể thoát kịp.

Công tác chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá là triển khai theo kiểu nhỏ lẻ, địa phương làm với địa phương và ngành hàng không làm với hàng không, dẫn đến kết quả không như mong muốn. Từ 2016 đã có các dự án mang lại nhiều kỳ vọng nhưng đến nay tình hình không gì thay đổi.

Trong khi nguy cơ ngập ngày sân bay càng cao bởi diện tích mặt đất để thẩm thấu, bốc hơi ngày càng ít do nhu cầu mở rộng sân đỗ. Khi mưa lớn thì nước đổ vào cống tăng đáng kể và gây ra nguy cơ tắc và ngập. Hiện TP.HCM vẫn đang loay hoay với công tác chống ngập tại khu vực sân bay này.

N.Vũ

Nên đọc