Mới đây, ngày 15/1, HĐND TP.HCM họp phiên bất thường lần thứ 18 để thảo luận, xem xét và thông qua bảng giá đất TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024 và hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020. Theo đó, khung giá đất tại TP.HCM được giữ nguyên khung hiện hành của giai đoạn 2014 - 2019.
Khung giá đất tại TP.HCM được giữ nguyên khung hiện hành của giai đoạn 2014 - 2019. |
Bảng giá này được dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại...
Theo bảng giá đất cũ, giá đất ở đô thị cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (Q.1) với mức 162 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, giá đất này chỉ bằng hơn 20% so với bảng giá đất được khảo sát (800 triệu đồng/m2 ) và thấp hơn nhiều lần so với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Giá đất ở đô thị của thành phố thấp nhất là 1,5 triệu đồng mỗi m2.
Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...
Thành phố cũng bổ sung cập nhật thêm 364 tuyến đường mới ở các quận huyện, đồng thời loại bỏ giá đất ở 266 tuyến, đoạn đường do đã điều chỉnh; bổ sung 4 loại đất chưa có trong bảng giá đất cũ là: đất trong các KCX, KCN, Khu Công nghệ cao; đất nghĩa trang; đất giáo dục, y tế và đất tôn giáo.
Luật Đất đai năm 2013 quy định, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất này được xây dựng mỗi 5 năm và công bố vào ngày 1/1 năm đầu tiên của chu kỳ.
Tấn Lợi