TP.HCM: Không niêm yết giấy phép xây dựng sẽ không được xây dựng

(NTD) - Đó là một trong những nội dung trong văn bản mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa gởi UBND 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện hướng dẫn về việc niêm yết giấy phép xây dựng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra về điều kiện khởi công xây dựng công trình theo điều 107, các yêu cầu với công trường xây dựng theo điều 109 Luật Xây dựng năm 2014.

UBND phường, xã, thị trấn niêm yết giấy phép xây dựng đối với các công trình đang thi công xây dựng tại UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi. Ảnh:T.L

Sở cũng lưu ý, các quận, huyện cần tuyên truyền, vận động, nhắc nhở chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện treo biển báo theo quy định. Niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình xây dựng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.HCM. Đồng thời giao UBND phường, xã, thị trấn niêm yết giấy phép xây dựng đối với các công trình đang thi công xây dựng tại UBND phường, xã, thị trấn để theo dõi. Những trường hợp vi phạm thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, tại Chỉ thị số 23, ngày 25/7, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn đầy đủ việc niêm yết giấy phép xây dựng tại tất cả công trình xây dựng trên địa bàn để người dân và các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời các sai phạm. Một trong những điều phải làm là công trình xây dựng không niêm yết giấy phép xây dựng thì không được xây dựng.

Điều 109. Yêu cầu đối với công trường xây dựng

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng. Nội dung biển báo gồm:

a) Tên, quy mô công trình;

b) Ngày khởi công, ngày hoàn thành;

c) Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng;

d) Bản vẽ phối cảnh công trình.

2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp chủ đầu tư tổ chức quản lý. Nội dung quản lý công trường xây dựng bao gồm:

a) Xung quanh khu vực công trường xây dựng phải có rào ngăn, trạm gác, biển báo dễ nhìn, dễ thấy để bảo đảm ngăn cách giữa phạm vi công trường với bên ngoài;

b) Việc bố trí công trường trong phạm vi thi công của công trình phải phù hợp với bản vẽ thiết kế tổng mặt bằng thi công được duyệt và điều kiện cụ thể của địa điểm xây dựng;

c) Vật tư, vật liệu, thiết bị chờ lắp đặt phải được sắp xếp gọn gàng theo thiết kế tổng mặt bằng thi công;

d) Trong phạm vi công trường xây dựng phải có các biển báo chỉ dẫn về sơ đồ tổng mặt bằng công trình, an toàn, phòng, chống cháy, nổ và các biển báo cần thiết khác.

3. Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường, tập kết và xử lý chất thải xây dựng phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh khu vực công trường xây dựng.

T.L