TP.HCM đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12

(CL&CS) - Bắt đầu từ tháng 12/2021, TP.HCM dự kiến thí điểm đón khách du lịch quốc tế và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Mới đây, Dự thảo đề án tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM sử dụng "hộ chiếu vaccine" vào cuối năm 2021 và năm 2022 được đưa ra lấy ý kiến các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.

Du lịch TP.HCM vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Theo đó, TP.HCM dự kiến thí điểm từ tháng 12/2021 và thực hiện mở rộng trong năm 2022, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Giai đoạn 1 (từ tháng 12/2021), Thành phố thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, khép kín thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế, qua các phương tiện du lịch đường thủy tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP.HCM. Doanh nghiệp lữ hành được phép hoạt động phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thời gian hoạt động từ 5 năm trở lên; có thị trường nguồn khách phù hợp với thị trường được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào TP.HCM tối thiểu 50.000 khách/năm (số liệu tính năm 2019). Có hợp đồng trực tiếp với cơ sở lưu trú được lựa chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại TP.HCM. Ưu tiên cho đơn vị ứng dụng công nghệ trong việc phục vụ khách du lịch. Thực hiện tốt các quy định khác của pháp luật về kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quá trình phục vụ khách du lịch.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, cho phép tất cả các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định được phép phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP.HCM thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ, thông qua các phương tiện du lịch đường thủy.

Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại TP.HCM trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).

Giai đoạn 3, TP.HCM dự kiến mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Về việc thực hiện quy trình, thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hành khách quốc tế - Cảng Sài Gòn; Quy trình vận chuyển khách; Quy trình đón và phục vụ khách du lịch quốc tế tại cơ sở lưu trú, điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch sẽ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ ngành trung ương.

Hiện tại, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các chỉ tiêu của ngành du lịch của du khách quốc tế nói riêng và của cả TP.HCM nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành du lịch đang bị tê liệt và các doanh nghiệp du lịch đứng trước nguy cơ không trả được nợ.

Trước đó, hồi tháng 6/2021, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi nay đang bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn sẽ kéo dài.

Những khó khăn của ngành du lịch, trong đó có lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, chuỗi cung ứng dịch vụ, kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành như vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thuỷ… Vì vậy, việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động cũng góp phần tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan.

Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch. Cụ thể, kiến nghị giảm lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ…

Theo số liệu của Sở Du lịch TP HCM, đến nay chỉ còn khoảng 50% doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 170 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50 - 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này…

TIN LIÊN QUAN