QL22 đang bị quá tải và sẽ được mở rộng, nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: Nguồn Internet |
Sau một thời gian nghiên cứu, xem xét, UBND TP.HCM đã sàng lọc được 4 bộ hồ sơ khả thi nhất của 4 nhà đầu tư.
Về cơ bản cả 4 nhà đầu tư đều đồng quan điểm về việc đề xuất làm tuyến đường với mặt cắt ngang rộng 60m trên địa bàn TP.HCM và nâng cấp mặt đường, thoát nước theo bề rộng hiện hữu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, 4 nhà đầu tư lại đề xuất quy mô khác nhau ở việc mở rộng cầu và tại một số nút giao, dẫn đến việc tổng mức đầu tư cũng khác nhau. Cụ thể:
Nhà đầu tư thứ nhất, đề xuất xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 15m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 9.505 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.548 tỷ.
Nhà đầu tư thứ hai, đề xuất xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 9,5m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 8.630 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.249 tỷ đồng.
Nhà đầu tư thứ ba, đề xuất xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 17m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 16,5m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 6.582 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.358 tỷ đồng.
Nhà đầu tư thứ tư, đề xuất xây dựng mới cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 12,25m; các nút giao khác giao bằng; mở rộng thêm 15m mỗi bên cầu An Hạ hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến 8.563 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.044 tỷ đồng.
Qua xem xét 4 đề xuất trên và căn cứ điều kiện thực tiễn, UBND TP.HCM đã đề xuất mở rộng đoạn đi qua TP.HCM lên 60m (lộ giới quy hoạch 60m và 120m), còn đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh chỉ nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước theo bề rộng hiện hữu; xây dựng cầu vượt trực thông tại nút giao Trung Chánh với 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13,25m. Đối với cầu An Hạ, thành phố đề xuất mở rộng thêm 15m mỗi bên của cầu hiện hữu.
Vào ngày 1/11, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Tây Ninh cho ý kiến về phạm vi, quy mô đầu tư dự án, sau đó TP sẽ phê duyệt đề xuất dự án và triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Quốc lộ 22 đi qua địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh có chiều dài hơn 58km, là tuyến giao thông huyết mạch trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, hiện QL22 đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng là điều cần thiết trong lúc này để đảm bảo và giúp cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ về TP.HCM và từ TP.HCM sang Campuchia và các nước khu vực ASEAN qua tỉnh Tây Ninh.
Quốc Hào